20 năm sống mòn bên bãi rác, dự án trồng cây xanh ngăn cách vẫn... trên giấy

Bụi, ruồi, mùi hôi, nước bẩn, là những từ mà nhiều hộ dân, sống ở xã Thái Mỹ và xã Phước Hiệp (huyện Củ Chi, TPHCM), miêu tả về cuộc sống thường ngày của họ. Người dân cho biết, mọi chuyện bắt đầu từ khi khu vực mà họ sinh sống được chọn làm khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc. Khu này có diện tích 687ha, gồm 2 doanh nghiệp là Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty CP Vietstar.

Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực ngay phía sau bãi rác, dọc Kênh 18 (xã Thái Mỹ) là nơi hứng chịu nhiều mùi hôi nhất. Thông tin từ UBND huyện Củ Chi, mặc dù chỉ có xã Thái Mỹ và Phước Hiệp là 2 địa phương bao quanh khu vực xử lý rác, nhưng lại có đến 7 xã và thị trấn Củ Chi (huyện Củ Chi) ghi nhận có hộ dân bị ảnh hưởng bởi mùi hôi, đất đai ô nhiễm và nước sinh hoạt.

Từ vườn nhà bà Năm (bên cạnh kênh 18, xã Thái Mỹ, Củ Chi) có thể thấy rõ “núi” rác cách đó chưa đầy 50m, được che phủ bằng những tấm bạt HDPE. Nước từ kênh chạy quanh nhà có màu đen và mùi hôi thối. “Các con kênh từng rất sạch, người dân còn rửa rau, nấu ăn, giặt giũ, tắm gội bằng chính nước lấy từ kênh”, bà Năm chia sẻ.

Chỉ tay vào cánh cửa, vật dụng duy nhất dùng để ngăn không khí ô nhiễm vào phòng ngủ, bà Năm ngán ngẩm, nói: “Mới dọn, chà rửa mà giờ lại đóng đầy bụi”.

Ông Năm, chồng bà Năm dẫn PV ra sau khu vườn cạnh bãi rác và bày tỏ: “Gió lên là hôi. Ngày nào cũng hôi. Ngửi riết không cần ăn cơm luôn!”. Ông Năm cho hay, trước đây, quanh nhà là những bãi cỏ xanh ngắt nên ông thường đến đó để cắt cỏ cho bò. Tuy nhiên, những năm gần đây ông phải tìm cỏ ở nơi khác hoặc mua rơm, rạ cho đàn bò.

Phía bên trong căn nhà của ông Năm, nhiều vật dụng bám đầy bụi mịn. Trong ảnh, lớp bụi mịn bám chặt trên chiếc tủ lạnh nhà ông Năm.

Căn bếp nhà ông Năm cũng phủ đầy bụi. Ông Năm cho biết, mấy năm nay bị một số bệnh đường hô hấp, và ông cũng không lấy làm ngạc nhiên vì biết rõ môi trường mình đang ở ô nhiễm như thế nào.

Dùng tay cào mạnh vẫn không thể làm tróc lớp bụi mịn bám trên đồ dùng, vật dụng trong gia đình.

Theo người dân, ở khu vực vực này ăn uống không "dạn miệng", muốn ăn hay uống gì đều phải mua từ ngoài vào, hạn chế nấu nướng.

Khu vườn cây và bãi rác chỉ được ngăn cách bằng một bờ đất và có thể nhận thấy trạng thái khác biệt ở hai bên bờ đất.

Theo một số hộ dân, phần đất của người dân ở rìa bãi rác bị trồi lên tầm 2m do áp lực từ trọng lượng của bãi rác chèn ép tạo thành những con dốc.

Ông L. có nhà nằm sát Kênh 18 (xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TPHCM). Từ nhà ông L. có thể thấy được “núi” rác cao của khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc. Nhiều năm qua, 5 người con và cháu cháu nội của ông đã bỏ đi nơi khác ở do không chịu được ô nhiễm.

Bà R. (kênh 19, xã Thái Mỹ, Củ Chi) cho hay, kể từ khi có bãi rác, bèo trong nguồn nước xuất hiện ngày càng nhiều, tràn vào đồng ruộng, trong khi nguồn nước bị ô nhiễm nên bà đã phải bỏ hoang. Theo bà R., khu vực này còn chịu ảnh hưởng ít so với các hộ dân sống từ khu Kênh 18 trở lên.

Phạm Nguyễn