Abdul Rashid Dostum: Phản bội để tồn tại

Trong số những nhân vật mà Taliban phải tìm cách đàm phán có cựu Phó Tổng thống Abdul Rashid Dostum, 67 tuổi.

Ông Dostum - người ủng hộ chính phủ ông Ghani - từng giữ chức Phó Tổng thống Afghanistan trong giai đoạn 2014-2020 và là thủ lĩnh của nhóm sắc tộc Uzbek. Ông ta cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong Liên minh phương Bắc, song đã nhiều lần đổi phe trong 4 thập niên qua.

Sống còn

Ông Abdul Rashid Dostum sinh năm 1954 ở làng Kwaja Du Koh, tỉnh Jowzan, Afghanistan. Như nhiều đứa trẻ Uzbek nghèo khó khác, cậu bé Dostum buộc phải bỏ học giữa chừng để đi làm công nhân mỏ khí đốt Sheberghan. Cuộc sống của những người công nhân làm mỏ vô cùng khổ cực. Ai không chết vì tai nạn khí gas thì cũng chết vì kiệt sức. Không ít công nhân trong đó có Dostum vì thế mà tham gia công đoàn nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.

Ông Dostum từng nhiều lần trực tiếp chỉ huy từ tuyến đầu.

Sau khi đảng Dân chủ nhân dân Afghanistan đưa Mohammed Daoud Khan lên là Tổng thống nước Cộng hòa Afghanistan năm 1973, họ tìm cách củng cố quyền lực của mình và của chính phủ. Một chính sách mới họ đưa ra là biến các công đoàn thành đội dân quân tự vệ. Vậy là ông Dostum trở thành một dân quân. Sau đó vài năm, Dostum nhập ngũ. Không biết vì lý do gì mà sau một thời gian mang quân hàm trung tá, Dostum bị khai trừ khỏi đảng Dân chủ nhân dân Afghanistan và đuổi khỏi quân ngũ.

Sau vài năm phiêu bạt ở Pakistan, ông trở về Afghanistan sau khi Liên Xô (cũ) đưa quân vào nước này. Ông ta thu nạp được 20.000 thanh niên từ Kwaja Du Koh và các làng lân cận để lập ra một đội dân quân ủng hộ chính phủ. Trong khi quân chính phủ thường xuyên thất bại trước các toán du kích mujahideen thì lực lượng dân quân của Dostum từng nhiều lần đánh thắng mujahideen, giữ cho tỉnh Jowzan sạch bóng quân nổi loạn. Nhờ những chiến công nối tiếp nhau mà ông Dostum được phong Anh hùng, còn đội dân quân được mở rộng lực lượng và chuyển đến trấn giữ thành phố Kandahar.

4 năm sau khi Hồng quân Liên Xô (cũ) rút về nước, liên quân các nhóm mujahideen kéo đến tận Kabul. Dostum nhận ra chính quyền Cộng hòa đã đến hồi kết nên chọn cách phản bội, đầu quân cho những kẻ thù cũ của mình. Đội dân quân, bây giờ đã là một tiểu đoàn, tham gia trận đánh chiếm thủ đô Kabul. Sau khi những nhóm kháng chiến giành chiến thắng, họ quay ra đánh lẫn nhau để tranh giành quyền lực. Kẻ chiến thắng cuối cùng là Taliban, còn ông Dostum buộc phải tháo chạy lên phía Bắc.

Ông Dostum (trái) bên cạnh cựu Tổng thống Ashraf Ghani.

Trong gần 10 năm liền, ông lãnh đạo một đất nước thu nhỏ lấy thành phố Mazar-i-Sharif làm thủ đô, lập chính quyền, cho in tiền, đặt quan hệ với ngoại giao với các nước láng giềng, v.v... Dưới sự lãnh đạo của ông, tỉnh Balkh vẫn giữ được sự ổn định trong khi toàn bộ Afghanistan chìm trong hỗn loạn. Về mặt quân sự, ông tham gia Liên minh phương Bắc chống lại Taliban. Ông ta từng phản bội liên minh đi theo Taliban, rồi phản bội Taliban trở lại với liên minh. Đến năm 1998, quân đội của Dostum bị tiêu diệt hoàn toàn, còn ông tháo chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Giống như lần lưu vong trước, Dostum trở lại Afghanistan sau khi người Mỹ chiếm được Kabul và giao cho Dostum quyền chỉ huy một trung đoàn lính Afghanistan. Đơn vị này tham gia trận đánh Kunduz gần Mazar-i-Sharif. Trận đánh kết thúc với việc 2.000 lính Taliban đầu hàng và chết ngạt do bị giam trong những thùng container. Chiến thắng trong trận Kunduz đã giúp lấy lại quyền lực tại địa bàn cũ nhưng ông không cảm thấy thỏa mãn với từng đó.

“Ngựa quen đường cũ”, ông Dostum lại tranh giành quyền lực với các phe phái khác. Người của ông làm mọi việc: hành hung, tống tiền, ám sát... để giúp Dostum đi từ vị trí quyền lực này đến vị trí quyền lực khác. Các kẻ thù của ông phải liên kết lại và tổ chức “đánh hội đồng”. Ông thoát chết trong gang tấc, rồi chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ sống lưu vong và trở lại Afghanistan năm 2009 sau khi nhận được lời hứa bảo vệ mạng sống của mình từ Tổng thống Hamid Karzai.

Ông Dostum và đội cận vệ tập chạy trong trang viên của mình.

Tổng thống Ashraf Ghani vì muốn lợi dụng quyền lực và danh tiếng của Dostum ở miền Bắc nên chọn ông làm Phó Tổng thống Afghanistan. Quyết định này khiến ngay cả đồng minh Mỹ cũng bất bình. Ngoài cái chết của 2.000 tù nhân Taliban, Dostum còn bị buộc nhiều tội danh chiến tranh khác. Quân lính của ông “làm mưa làm gió” khắp các tỉnh phía Bắc. Họ công khai bắt người đòi tiền hoặc đánh đập bất kỳ ai tỏ ra bất bình. Ngay cả Dostum cũng từng thẳng tay đánh đối thủ chính trị Ahmad Ischi của mình trong một trận đua ngựa, rồi sau đó ra lệnh cho lính đánh đập ông này.

Cuộc tiến công của Taliban sau khi Mỹ rút quân quét qua mọi ngóc ngách trên đất Afghanistan. Sau một vài thất bại trước Taliban, Dostum lấy cớ là qua Thổ Nhĩ Kỳ để chữa bệnh đái tháo đường nhằm chạy trốn. Ông chỉ trở lại sau khi Taliban chiếm được Kabul và tuyên bố trước phóng viên hãng tin AP ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay Mazar-i-Sharif: “Quân Taliban lần nào trước đây đánh lên phía Bắc cũng gặp thất bại. Lần này cũng không phải là ngoại lệ”. Hiện ông đang vừa thu thập lực lượng, vừa tăng cường phòng thủ khu vực tỉnh Balkh.

Lằn ranh công - tội

Nhà sử học người Mỹ Brian Glyn Williams, tác giả cuốn sách chân dung về ông, có những lời như sau khi nói về vị lãnh chúa: “Dostum còn tồn tại đến tận bây giờ là nhờ khả năng “thuận theo chiều gió” của ông ấy. Ông ấy luôn biết cách chọn bên nào sẽ thắng cuộc để mà thẳng tay phản bội những đồng minh cũ rồi đi tìm “bến bờ” mới”.

Dostum tạo dựng được sự ủng hộ không nhỏ trong dân chúng.

Điều này không có nghĩa ông là kẻ hèn nhát. Đến bây giờ ở Afghanistan người ta vẫn lưu truyền những giai thoại về việc Dostum tự mình dẫn đầu lực lượng dân quân đột kích vào hang ổ mujahideen. Việc ông ta sống sót sau 9 lần bị ám sát cũng là kì tích. Lần gần đây nhất là vào năm 2019, quân Taliban phục kích đoàn xe hộ tống Dostum sau khi họ rời thánh đường Hazrat Ali Mazar. Dostum một tay bắn súng, tay còn lại kéo những cận vệ bị thương vào lề đường. Không ít người Afghanistan căm ghét vì sự tráo trở của ông ta nhưng phải thừa nhận Dostum là kẻ bản lĩnh.

Đối với cộng đồng người Uzbek, ông là anh hùng của họ. Khoảng thời gian mấy năm ông làm chủ nhà nước riêng của mình là giai đoạn đầu tiên người Uzbek được hưởng hòa bình. Dostum cho xây dựng những công trình địa phương như giếng công cộng, trạm xá, v.v... ở các ngôi làng mà Kabul chưa bao giờ đoái hoài đến. Những công ty của vị lãnh chúa như Hãng hàng không Balkh Airlines tạo công việc cho thanh niên Uzbek bị thất nghiệp do chiến tranh. Chính sự “tận tình” với dân tộc mình là thứ tách biệt ông với những tướng lĩnh cát cứ Afghanistan khác. Dostum từng bỏ chạy nhiều lần nhưng lần nào người Uzbek cũng mở rộng vòng tay đón ông ta trở lại.

Dostum cũng là người có tư duy cởi mở, ông ta không tin vào những tư tưởng bảo thủ như Taliban. Ông từng ban hành luật cho phép phụ nữ được ra ngoài mà không phải che mặt. Không những thế, phụ nữ còn được đi học, đi làm như đàn ông. Ở thành phố Mazar-i-Sharif dưới quyền kiểm soát của ông, rượu bia được buôn bán thoải mái, các rạp chiếu phim và đài truyền hình được phép chiếu phim của phương Tây.

Lính Taliban bên cạnh bộ đồ pha trà bằng vàng của ông Dostum.

Khác với những thành viên khác của chính phủ cũ, chắc chắn Taliban sẽ không tìm cách chiêu hàng Dostum. Họ vẫn còn nhớ chuyện gì đã xảy ra sau trận Kunduz. Lính của Dostum từng nhốt 200 - 300 người trong những thùng container rồi khóa chặt cửa. Một phóng viên của tờ Finnancial Times kể lại: “Lúc họ mở thùng container, mùi thối từ xác người phân hủy bốc ra nồng nặc. Tôi phải chạy vội ra xa để vừa lau mắt, vừa nôn ọe...”.

Taliban không ít lần tổ chức ám sát Dostum và đều thất bại. Nhưng gần đây, Taliban đã giáng cho ông ta một đòn mạnh về mặt tinh thần. Sau khi vị Dostum chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ, quân Taliban vào khám xét tòa biệt thự của ông ta. Họ tìm thấy những đồ nội thất được trang trí bằng vàng và đá hoa cương loại tuyệt phẩm. Cùng với đó là những chiếc siêu xe và cả một chuồng ngựa quý. Taliban quay từng góc tòa biệt thự rồi đăng video lên mạng với mục đích cho mọi người thấy Dostum cũng chỉ là một ông tướng tham nhũng, làm giàu nhờ tiền viện trợ nước ngoài và xương máu của đồng bào.

Thật khó để nói đoạn phim này ảnh hưởng Dostum đến mức nào. Ngay cả Washington cũng phải thừa nhận rằng tất cả các quan chức, tướng lĩnh trong Chính phủ Kabul đều dính dáng đến tham nhũng. Điều này ai ở Afghanistan cũng biết cả, vấn đề ở chỗ Dostum là kẻ biết chiêu mộ lòng người bằng hành động của mình. Nếu quan hệ giữa người Uzbek và Taliban (chủ yếu được lãnh đạo bởi người Pashtun) xấu đi, rất có khả năng giấc mơ xây dựng một đội quân chống Taliban của ông sẽ thành công. Cho đến khi mọi chuyện ngã ngũ, chỉ có một điều mà giới quan sát có thể chắc chắc: Dostum vẫn sẽ tìm mọi cách để giữ chặt quyền lực trong tay mình.