Bắc Giang: Tạo mọi điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển trong tình hình mới

Ông Lê Ánh Dương – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị.

Với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp trên địa bàn, Hội nghị đã đi sâu vào các nội dung liên quan đến những tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh như chi phí xét nghiệm Covid-19 còn cao, chế độ cho lao động bị nhiễm Covid-19, địa điểm cách ly cho công nhân ngoại tỉnh trở lại làm việc chưa tiêm đủ 3 mũi vắc xin, hoạt động đưa đón công nhân ngoại tỉnh, cung cấp thông tin lao động cho hoạt động tuyển dụng, hỗ trợ phương tiện vận chuyển F0 đến nơi điều trị, giảm tần suất xét nghiệm Covid-19…

Qua nghe các ý kiến, ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã tiếp thu và trao đổi làm rõ các nội dung. Về chi phí xét nghiệm, Bắc Giang đang thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế và hiện tỉnh đang áp khung giá thấp nhất trong cả nước. Tới đây, tần suất, đối tượng xét nghiệm cho lao động do doanh nghiệp tự quyết định. Lao động ngoại tỉnh trở lại Bắc Giang làm việc khi tiêm đủ vắc xin chỉ cần tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú 3 ngày, xét nghiệm âm tính. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu về tuyển dụng lao động địa phương thì tỉnh tạo điều kiện kết nối với đơn vị chức năng của tỉnh để cung ứng.

Lao động tại Bắc Giang đã dần được nâng cao chất lượng, tiếp thu nhanh tiến bộ kỹ thuật nên doanh nghiệp hoàn toàn yên tâm. Sau Hội nghị này, tỉnh sẽ có văn bản đồng ý cho phép doanh nghiệp sử dụng lao động thời vụ. Đồng thời, từ ngày 16/2, tỉnh đưa Trung tâm Y tế khu công nghiệp vào hoạt động và bố trí khu điều trị riêng bệnh nhân là lao động ngoại tỉnh, không yêu cầu doanh nghiệp phải bố trí khu điều trị nữa. Trước mắt, từ nay đến ngày 16/02, các trạm y tế lưu động của tỉnh tăng cường nắm bắt, cung cấp số điện thoại đường dây nóng để doanh nghiệp liên hệ, đưa F0 đi điều trị theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cũng thông tin thêm, năm nay tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm 2021. Vì vậy, ngoài giải quyết những nội dung cụ thể tại Hội nghị này, tỉnh ưu tiên tháo gỡ khó khăn về thể chế cho doanh nghiệp. Cái nào không phù hợp, lạc hậu sẽ sửa nhanh nhất, thuộc thẩm quyền của Trung ương thì kiến nghị, sửa đổi. Tỉnh tiếp tục duy trì đường dây nóng của Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận, phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp; xử lý nghiêm cán bộ gây phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp; không để doanh nghiệp gặp khó khăn do yếu tố chủ quan. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Hoan nghênh các doanh nghiệp đầu tư và mở rộng đầu tư tại tỉnh, Bắc Giang đã chủ động điều kiện về hạ tầng, đất đai.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến.

Về hạ tầng phục vụ, tỉnh tính toán bổ sung công suất điện; tiếp tục đầu tư nâng công suất trạm biến áp. Đồng thời, dành nguồn lực rất lớn đầu tư cho giao thông đối ngoại. Cầu Như Nguyệt sẽ khởi công chậm nhất trong tháng 5/2022, thi công trong 6 tháng; cầu Hà Bắc 2, cầu Hòa Sơn và nhiều dự án khác phấn đấu thi công trong một năm. Đặc biệt, Bắc Giang phối hợp với tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh làm con đường nối dài ven biển nhằm giúp doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa đến cảng Hải Phòng ngắn nhất. Bắc Giang cũng đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo lao động; xây nhà ở cho công nhân…

Chương Huyền