Bạch Thông đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hướng tới việc làm

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bạch Thông phối hợp tổ chức lớp đào tạo nghề nuôi và phòng trị bệnh cho thủy cầm tại xã Cẩm Giàng.

Hằng năm UBND huyện Bạch Thông đều phân bổ nguồn vốn cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Để việc tổ chức thực hiện đạt hiệu quả, ngành chức năng của huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; chủ động, linh hoạt lựa chọn ngành nghề sát với điều kiện, thế mạnh của địa phương.

Từ đầu năm 2023 đến nay huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức 14 hội nghị tuyên truyền tư vấn, tuyển sinh đào tạo nghề... tại các xã, thị trấn, với trên 1.000 người tham dự; phát 8.700 phiếu khảo sát nhu cầu học nghề, kết quả có trên 1.200 người đăng ký học nghề dưới 3 tháng. Cơ quan chuyên môn phối hợp tổ chức 34 lớp. Các lớp đào tạo nghề được tổ chức chủ yếu căn cứ nhu cầu và được người lao động đăng ký, phù hợp với tình hình thực tế các địa phương.

Đăng ký và tham gia lớp đào tạo về kỹ thuật chăn nuôi, thú y, chị Triệu Thị Thu ở xã Mỹ Thanh cho biết: Kiến thức được giảng viên truyền đạt rất bổ ích, phù hợp với nhu cầu. Giảng viên hướng dẫn kỹ thuật phòng và trị bệnh cho vật nuôi, được hướng dẫn sử dụng một số loại thuốc thú y trong điều trị một số bệnh thông thường, giúp cho bà con có kỹ năng trong chăn nuôi, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Thực tế cho thấy, lao động nông thôn sau khi học nghề phần lớn đã áp dụng kiến thức được học vào phát triển kinh tế, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm được chi phí sản xuất. Nhiều trường hợp được tiếp nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất.

Từ thói quen lao động nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp, giờ đây phần lớn trong số họ đã mạnh dạn làm ăn nhờ những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo nghề… để đưa lại hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh. Không chỉ nhiều nghề mới đang cho thu nhập khá mà ngay trong sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác nâng cao năng suất và sản lượng lương thực so với trước đây. Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở các địa phương.

“Hằng năm huyện đều khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, để từ đó tổ chức các lớp đào tạo các ngành nghề cho phù hợp với nhu cầu người lao động. Qua thực tế các lớp đào tạo nghề, như: Kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho lợn; nuôi và phòng trị bệnh cho thủy cầm; kỹ thuật trồng rau; kỹ thuật trồng, thâm canh cây có múi... được mở, đa số các học viên nắm được kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả, nâng cao thu nhập”, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bạch Thông Phùng Thị Hiến cho biết.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguồn tuyển đào tạo nghề dưới 3 tháng có những hạn chế nhất định do số lượng người lao động có mặt tại địa phương ít; ngành nghề đào tạo lĩnh vực công nghiệp để cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất còn hạn chế. Thêm vào đó, giảng viên dạy nghề dưới 3 tháng chủ yếu là thỉnh giảng, dẫn tới việc chủ động tổ chức các lớp đào tạo gặp nhiều khó khăn. Những điều này phần nào khiến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn bị ảnh hưởng theo.

Trong thời gian tới, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tích cực tham mưu với UBND huyện, tăng cường phối hợp trong tuyên truyền, vận động, tổ chức công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn đào tạo với giải quyết việc làm; phối hợp với các doanh nghiệp để triển khai công tác đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, giải quyết việc làm giúp cho lao động nông thôn có thêm thu nhập; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá về số lượng, chất lượng đào tạo, đặc biệt là giải quyết việc làm sau đào tạo nghề…/.

Hoàng Vũ