Bàn giải pháp thúc đẩy hấp thụ vốn của doanh nghiệp, người dân

Các đại biểu chủ trì và điều hành nội dung Hội nghị.

Đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc NHNN, đồng chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện các hiệp hội, hội DN của tỉnh và các huyện, thành phố; hơn 100 DN, hộ cá nhân kinh doanh có quan hệ tín dụng với NH; đại diện các NH trên địa bàn tỉnh.

Theo đại diện lãnh đạo NHNN: Ngay từ đầu năm, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm nay khoảng 14-15% (cao hơn tăng trưởng các năm trước), có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Tuy nhiên, đến ngày 29/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt khoảng 12,75 triệu tỷ đồng, tăng 6,92% so với cuối năm 2022.

9 tháng qua, NHNN đã điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Đến nay, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm (lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng hơn 1% so với cuối năm 2022). Bên cạnh đó, NHNN cũng thực hiện nhiều biện pháp để giảm lãi suất cho vay, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm. Đến nay, các tổ chức tín dụng cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 22.000 tỷ đồng.

Đối với tỉnh Thái Nguyên, tính đến cuối tháng 9, dư nợ cho vay đạt khoảng 86,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,51% so với cuối năm 2022.

Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện các hội DN và DN đánh giá cao sự đồng hành, hỗ trợ của ngành NH trong thời gian qua, khẳng định nếu không có sự kịp thời trong điều hành kinh tế vĩ mô, sự đồng hành của ngành NH thì phần lớn các DN sẽ khó có thể tồn tại, phát triển… Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị NHNN tiếp tục quan tâm chỉ đạo các NH thương mại giảm lãi suất và giảm thủ tục cho vay; có thêm các chính sách ưu tiên đối với những DN nhỏ và vừa, DN đầu tư tại các địa bàn khó khăn; cho phép DN kéo dài thời gian đáo hạn; không yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm tiền vay; hợp đồng tín dụng cần ngắn gọn, dễ hiểu…

Ngoài ra, bên cạnh kiến nghị đối với ngành NH, một số ý kiến cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành của tỉnh tiếp tục quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng thực hiện một số dự án; hướng dẫn và giải quyết nhanh các thủ tục pháp lý về dự án đầu tư để các DN thuận lợi hơn trong quá trình hoạt động.

Đại diện một số NH đã làm rõ thêm về tình hình cấp tín dụng trên địa bàn tỉnh; những khó khăn, vướng mắc mà các NH gặp phải cũng như những giải pháp, đề xuất, kiến nghị đối với DN trong thời gian tới.

Đại diện NHNN làm rõ một số vấn đề được các doanh nghiệp kiến nghị, quan tâm.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Tiến mong muốn các ý kiến, kiến nghị của DN trên cả nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng sẽ được NHNN có biện pháp tháo gỡ và kịp thời chia sẻ. Đồng chí cũng đề nghị NHNN Chi nhánh tỉnh trong thời gian tới sẽ tập trung nguồn vốn cho vay vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; tăng cường đối thoại, kết nối NH-DN nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng; đẩy mạnh các chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất theo các nghị định, chương trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục giảm lãi suất cho vay và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN, người dân…

Về phía NHNN, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định: Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, DN, ngành NH sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đồng chí cũng đề nghị các NH thương mại trên địa bàn kịp thời phản ánh với NHNN Chi nhánh tỉnh về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách của ngành NH trong quá trình triển khai của các tổ chức tín dụng để NHNN có giải pháp tháo gỡ...