Bảo hiểm phi nhân thọ trước áp lực tăng trưởng lợi nhuận

Nhiều doanh nghiệp phi nhân thọ bắt đầu “ngấm” Covid. Ảnh: Dũng Minh

Tại Bảo hiểm Petrolimex (PJICO, mã PGI), dù doanh thu năm 2022 đạt hơn 3.164 tỷ đồng, bằng 101,5% so với năm 2021, nhưng lãi sau thuế chỉ đạt hơn 203 tỷ đồng, bằng 59,3% (tương đương giảm 40,7%). Giải trình biến động kinh doanh trong năm qua, PJICO cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do năm 2022 không được hoàn nhập dự phòng phí bảo hiểm như năm trước, trong khi chi phí tài chính và tỷ lệ bồi thường đều tăng, dẫn tới giảm lợi nhuận.

Bảo hiểm Bưu điện (mã PTI) giải trình báo cáo tài chính riêng lẻ năm 2022 với mức lỗ sau thuế hơn 349 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi ròng hơn 262 tỷ đồng (giảm hơn 611 tỷ đồng, tương đương giảm 233%), là do trong năm 2022 phát sinh chi phí liên quan đến chương trình bảo hiểm “Vững Tâm An” với số tiền hơn 353 tỷ đồng, cùng với đó là chi phí bồi thường tăng mạnh, từ đó tác động tiêu cực tới kết quả kinh doanh. Tổng chi bồi thường bảo hiểm năm 2022 tăng hơn 747 tỷ đồng, tương đương tăng 35% so với năm trước.

Được biết, trong năm 2022, tổng doanh thu của PTI đạt hơn 5.320 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt hơn 5.152 tỷ đồng, tăng 4%; doanh thu hoạt động tài chính đạt hơn 153 tỷ đồng, giảm 18%, doanh thu kinh doanh bất động sản đầu tư đạt hơn 9 tỷ đồng, giảm 77%; thu nhập khác đạt hơn 5 tỷ đồng, tăng 41%...

Bên cạnh những công ty ghi nhận lợi nhuận giảm, thậm chí thua lỗ, cũng có đơn vị ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng cao trong năm qua. Đơn cử, Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH) công bố kết quả kinh doanh năm 2022 (trước soát xét) khả quan, trong đó lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ đạt tổng doanh thu 11.145 tỷ đồng, tăng 5,3% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 246 tỷ đồng, tăng 17,7%.

Tương tự, Bảo hiểm Bảo Minh (mã BMI) ghi nhận doanh thu thuần năm 2022 đạt 4.496 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện năm 2021. Sau khi giảm trừ các loại chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt gần 293 tỷ đồng, tăng 15%.

Mặc dù cả doanh thu và lợi nhuận năm 2022 đều tăng cao, nhưng Bảo Minh lại khá khiêm tốn với kế hoạch kinh doanh năm 2023, với mục tiêu tăng trưởng tối thiểu là 6% đối với doanh thu và 10% đối với lợi nhuận trước thuế, mà vẫn đảm bảo công tác kiểm soát bồi thường, nâng cao chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng.

Hiện tại, chưa nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023, nhưng với dự báo nền kinh tế cũng như thị trường bảo hiểm sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn nên các doanh nghiệp thận trọng là dễ hiểu. Thực tế, trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm bắt đầu “ngấm” Covid với lợi nhuận đạt được không như kỳ vọng, trái ngược với kết quả tích cực của năm 2021 nhờ tỷ lệ bồi thường thấp và hoạt động đầu tư chứng khoán, bất động sản đạt hiệu quả cao.

“Sau dịch, chúng tôi vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để đảm bảo vừa phát triển quy mô, giữ vững hiệu quả nghiệp vụ: Áp lực phát triển hệ thống bán lẻ, mở rộng các dự án trong và ngoài lĩnh vực dầu khí, vừa đảm bảo kiểm soát tốt công tác bồi thường, trục lợi bảo hiểm, quản lý mạng lưới hoạt động tuân thủ và phát triển đúng định hướng...”, đại diện Bảo hiểm PVI cho hay.

Gia Linh