Bế mạc Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023

Tại các phiên chuyên đề và phiên toàn thể cũng như tọa đàm cấp cao đã có hơn 40 ý kiến của các diễn giả, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và đại biểu trong, ngoài nước tham gia trao đổi, thảo luận tương tác lẫn nhau.

Chủ tịch Quốc hội, GS.TS Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023. Ảnh: Hồ Long/Đại biểu Nhân dân

Diễn đàn đã chia sẻ tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp thông qua đại diện của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), của các Hiệp hội, của trực tiếp một số doanh nghiệp tham gia Diễn đàn; chia sẻ giữa các chuyên gia trong nước và nước ngoài, giới học giả, nhà nghiên cứu, người hoạch định chính sách và cơ quan thực thi chính sách cũng như các đối tượng thụ hưởng chính sách. Diễn đàn thực sự đã trở thành một trung tâm thông tin đa chiều và toàn diện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Diễn đàn đã dành nhiều thời gian trọng tâm không chỉ vào các vấn đề kinh tế - xã hội mang tính thời sự, ngắn hạn mà còn tiếp cận các vấn đề lớn, mang tính bao quát, những xu hướng mới định hình của thế giới, các động lực, các hướng đi mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam. Xét về ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn, Việt Nam đều cần tập trung phát huy tối đa “nội lực”, trong đó đề cao, coi trọng năng lực nội sinh; tranh thủ, khai thác hiệu quả “ngoại lực”, kiến tạo động lực tăng trưởng mới, là “chìa khóa” để thích ứng, chống chọi và phát triển trong bối cảnh mới nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng. Đây là những nội dung hết sức quan trọng trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cũng là thông điệp xuyên suốt, nhất quán, gắn liền với chủ đề của Diễn đàn hôm nay".

Quang cảnh bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023. Ảnh: Hồ Long/Đại biểu Nhân dân

Chủ tịch Quốc hội đã tóm tắt lại một số nội dung chính đã được các đại biểu tập trung thảo luận tại diễn đàn, trong đó nhấn mạnh, về năng lực, động lực nội sinh của nền kinh tế, cần phát triển các khu vực sản xuất của nền kinh tế, gồm khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa và nâng cao năng suất lao động. Cần nghiên cứu, ban hành mới hoặc kéo dài các chính sách tiền tệ, chính sách thuế, phí, lệ phí... để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cơ cấu lại các loại thị trường; thúc đẩy phát triển và quản lý chặt chẽ các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, tạo chuyển biến căn bản trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình giao thông trọng điểm.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực là động lực nội sinh cốt lõi của nền kinh tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ cao, đòi hỏi trình độ lao động cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Phát huy thế mạnh nội lực của nền kinh tế gồm nền nông nghiệp nhiệt đới, lợi thế kinh tế biển, du lịch, phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa. Phát triển các ngành công nghiệp nền tảng

Về vận dụng, khai thác hiệu quả “ngoại lực”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần phát huy các động lực từ thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu, hướng tới bền vững. Theo đó cần chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết và xúc tiến, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thế hệ mới, các nhà đầu tư chiến lược, phát triển các ngành kinh tế mới, có công nghệ hiện đại, có kế hoạch đầu tư cho nghiên cứu và triển khai, có kết nối, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp trong nước. Khai thác tốt hơn các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đa dạng hàng hóa và thị trường xuất khẩu, đầu tư.

Về kiến tạo các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, các đại biểu đã đưa ra rất nhiều gợi ý chính sách, trong đó tập trung vào 05 động lực chủ yếu: thúc đẩy liên kết vùng, phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nội địa, đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và năng cao năng lực tự chủ, tự lực của nền kinh tế.

Các đại biểu đề cập nhiều đến động lực từ lợi ích thiết thực của tăng trưởng xanh và khẳng định đây là con đường tất yếu, trụ cột xuyên suốt trong định hình các chiến lược, kế hoạch, chính sách nhằm hướng tới nâng cao sức cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Các đại biểu cho rằng cải cách và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế là động lực đột phá nhưng cũng khó thực hiện và có thể cần nhiều thời gian nhất bởi động lực này giúp kiến tạo cơ chế mới, cách thức vận hành mới, tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư hấp dẫn, minh bạch. Đây là một trong những đột phá chiến lược để phát triển bền vững đất nước. Đối với Việt Nam, cải cách và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng trong quá trình đổi mới đất nước.

Lê Tuyết/VOV