Bí thư Hải Dương khai bút đầu Xuân tại Đền thờ Chu Văn An

Ngày 29/1, Thành ủy, HĐND, UBND TP Chí Linh đã tổ chức lễ khai bút Xuân Quý Mão 2023 tại đền thờ Chu Văn An. Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng, lãnh đạo tỉnh Hải Dương, lãnh đạo thành phố Chí Linh, các đoàn đại biểu một số tỉnh, thành cùng đông đào nhân dân và các em học sinh đến dự lễ khai bút đầu Xuân.

Lễ khai bút gồm lễ cáo yết, tế khai xuân, lễ rước bộ dâng văn sách, văn tế dâng hương, diễn văn khai bút, khai bút gồm chữ Hán và chữ Quốc ngữ, dâng chữ trình thầy…

Lễ khai bút đề cao truyền thống tôn sư trọng đạo và gìn giữ phong tục khai bút đầu xuân tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam, nhằm bồi đắp nguyên khí quốc gia, nâng cao văn hóa đọc, góp phần xây dựng xã hội học tập, tôn vinh trí tuệ Việt Nam, đạo học Việt Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cùng các đại biểu trung ương và địa phương khai bút chữ quốc ngữ.

Nhà thư pháp Nguyễn Đình Kế thay mặt Câu lạc bộ Thư pháp – Hán nôm Hải Dương đã trình diễn khai bút dòng chữ “Quốc – Thái – Dân - An”.

Đọc diễn văn tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Chí Linh Nguyễn Văn Kiên cho biết, khai bút đầu xuân là việc làm thiết thực thể hiện sự tôn kính những giá trị về vị thế và sự nghiệp của "vạn thế sư biểu" Chu Văn An, của các bậc tiền nhân đối với lịch sử của dân tộc. Đồng thời thể hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam.

Tư tưởng giáo dục của Chu Văn An là đề cao sự công bằng, bình đẳng, coi trọng giáo dục con người và văn hóa. Đây là nền móng để phát triển đất nước. Việc thúc đẩy xã hội học tập, phát triển mạng lưới khuyến học sẽ đẩy mạnh việc học tập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo sử sách ghi lại, thầy giáo Chu Văn An sinh năm 1292 tại làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội). Mặc dù học vấn tinh thông nhưng ông không ra làm quan mà mở trường dạy học. Ông đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục ở ba không gian: Thanh Trì, Thăng Long và Chí Linh (Hải Dương).

Thời vua Trần Minh Tông, Chu Văn An được mời ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy dỗ các thái tử và phò vua giúp nước. Nhưng tới thời vua Trần Dụ Tông, triều đình rối ren, vua quan ăn chơi sa đọa, không quan tâm đến việc triều chính. Sau nhiều lần khuyên can không được, Chu Văn An đã dâng “Thất trảm sớ”, xin chém đầu 7 tên nịnh thần để mong giữ yên triều chính.

Việc khuyên vua không thành, ông xin từ quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng. Tại đây, ông vừa dạy học, làm thơ, viết sách, tìm thuốc chữa bệnh cho dân lành. Năm 1370, ông mất tại núi Phượng Hoàng, hưởng thọ 79 tuổi. Triều đình thương tiếc Chu Văn An, tặng tên thụy là Văn Trinh, hiệu là Tiểu Ẩn Khang Tiết tiên sinh, sắc phong Thượng đẳng thần và cho phối thờ tại Văn miếu Quốc Tử Giám.

Được biết, cùng với Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Đại thi hào Nguyễn Du, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà giáo Chu Văn An là người Việt Nam thứ tư đã được UNESCO vinh danh.

Các đại biểu dự lễ khai bút.

Nhân dân, du khách thập phương đến dự đông đảo.

Các đại biểu dâng hương tại đền thờ danh nhân Chu Văn An.

Người dân dâng hương tại đền thầy giáo Chu Văn An.

Lễ khai bút đặc sắc trong không gian mang sắc màu lễ hội.

Nhiều học sinh dâng hương tại điện Lưu Quang.

Các học sinh xin chữ tại đền thầy giáo Chu Văn An.

Nhiều học sinh đến dự lễ khai bút

Đường vào Đền thờ Chu Văn An luôn tấp nập du khách.

Mời độc giả xem thêm video Giờ phút hiếm có sáng mồng 1 Tết, Hà Nội bình yên đến lạ

Hải Ninh