BioNTech đối mặt với vụ kiện đầu tiên về tác dụng phụ của vắc xin COVID

Người phụ nữ giấu tên đang kiện nhà sản xuất vắc xin Đức, đòi bồi thường ít nhất 150.000 euro tiền bồi thường thiệt hại về thân thể cũng như bồi thường thiệt hại vật chất không xác định, theo tòa án khu vực ở Hamburg và công ty luật Rogert & Ulbrich, đại diện cho nguyên đơn.

Ảnh: Reuters

Nguyên đơn cho biết cô bị đau nửa người, sưng tứ chi, mệt mỏi và rối loạn giấc ngủ do tiêm vắc xin. Phiên điều trần đầu tiên sẽ diễn ra vào hôm nay.

Luật dược phẩm của Đức quy định rằng các nhà sản xuất thuốc hoặc vắc xin chỉ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các tác dụng phụ nếu "khoa học y tế" cho thấy sản phẩm của họ gây ra tác hại không tương xứng so với lợi ích của chúng hoặc nếu thông tin trên nhãn sai.

BioNTech, công ty được cấp phép tiếp thị ở Đức cho loại vắc xin kể trên, cho biết họ đã kết luận sau khi xem xét cẩn thận rằng trường hợp này là không có căn cứ. Công ty ghi nhận khoảng 1,5 tỷ người đã được tiêm trên khắp thế giới, trong đó có hơn 64 triệu người ở Đức.

Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết BioNTech Comirnaty, loại vắc xin COVID-19 được sử dụng phổ biến nhất ở phương Tây, an toàn để sử dụng.

Trong một cuộc họp báo trên phương tiện truyền thông vào tuần trước, EMA đã tái khẳng định lợi ích của tất cả các loại vắc xin COVID mà cơ quan này đã phê duyệt, bao gồm cả của BioNTech, cho biết chỉ riêng trong năm đầu tiên xảy ra đại dịch, vắc xin đã giúp cứu sống gần 20 triệu người trên toàn cầu.

Các nhà khoa học cho biết có rất ít nguy cơ bị viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim sau khi tiêm vắc xin BioNTech Comirnaty.

Gần 768 triệu liều vắc xin COVID của BioNTech đã được sử dụng tại Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA), bao gồm 27 quốc gia thành viên EU cộng với Iceland, Liechtenstein và Na Uy.

Trong số đó, EMA đã ghi nhận gần 1,7 triệu báo cáo về các tác dụng phụ đáng ngờ vào tháng 5, tương đương với khoảng 0,2%. Các tác dụng phụ tạm thời phổ biến nhất là đau đầu, sốt, mệt mỏi và đau cơ.

Giống như nhiều quốc gia, Đức cũng có chương trình hỗ trợ tài chính dành cho những người bị tổn hại vĩnh viễn do vắc xin, được gọi là chương trình bồi thường không có lỗi, nhưng việc tham gia vào chương trình này không ngăn cản họ kiện các công ty sản xuất.

Công ty luật Rogert & Ulbrich cho biết họ đã đệ trình khoảng 250 trường hợp khách hàng yêu cầu bồi thường thiệt hại do tác dụng phụ của vắc xin COVID-19. Một công ty luật khác, Caesar-Preller, cho biết họ đang đại diện cho 100 trường hợp, với đa số các trường hợp đều ở Đức.

Một số ít các trường hợp tương tự đã được đệ trình ở Ý. Mỹ đã cho phép các nhà sản xuất được miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với vắc xin COVID.

Trung Kiên (theo Reuters)