Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Đức và Áo: Thông điệp phát triển thịnh vượng và bền vững

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Liên bang Đức Annalena Baerbock và Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Áo Alexander Schallenberg, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức từ ngày 26-27/9 và Cộng hòa Áo từ ngày 28-29/9.

Diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Việt Nam với cả Đức và Áo đều đang phát triển tốt đẹp, chuyến thăm của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn thể hiện sự coi trọng của Việt Nam trong việc củng cố và tăng cường quan hệ đối ngoại với hai đối tác quan trọng trong Liên minh châu Âu (EU). Đây cũng là bước triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock. (Nguồn: TTXVN)

Làm sâu sắc hơn nội hàm Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Đức, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock, chào xã giao Tổng thống Frank-Walter Steinmeier, Chủ tịch Hội đồng liên bang Bodo Ramelow, Thủ hiến bang Hessen Boris Rhein, Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Michael Kellner.

Tại các cuộc gặp, trong khi phía Việt Nam nhấn mạnh luôn coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước thì Lãnh đạo phía Đức cũng khẳng định coi Việt Nam là đối tác quan trọng của Berlin ở khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương.

Nhắc lại những cử chỉ cao đẹp mà hai bên dành cho nhau trong khó khăn thời kỳ đại dịch Covid-19, phía Việt Nam và Đức đều bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tích cực trong quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực trong thời gian qua.

Với mong muốn làm sâu sắc hơn nữa nội hàm Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức, hai bên nhất trí sẽ mở rộng và đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực mới như ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, góp phần để hai nước thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), cùng đóng góp cho việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Điểm nhấn trong các cuộc gặp của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn với các lãnh đạo Đức có lẽ là hợp tác kinh tế-thương mại song phương. Cùng chung tầm nhìn thúc đẩy kinh tế bền vững trước nhiều cuộc khủng hoảng đan xen hiện nay, Việt Nam và Đức nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); khai thác tiềm năng, dư địa để hợp tác về đầu tư, thương mại trong các lĩnh vực Đức có thế mạnh như khoa học-công nghệ, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cùng phối hợp để tháo gỡ các khó khăn còn tồn tại.

“Lúc này là cơ hội vàng để hai nước tranh thủ đẩy mạnh hợp tác, đưa mối quan hệ Đối tác chiến lược lên một tầm cao mới, không chỉ về chính trị, an ninh mà đặc biệt là về kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo, dạy nghề, hợp tác lao động”. (Đại sứ Việt Nam tại Đức Vũ Quang Minh)

Để tạo thuận lợi hơn nữa cho quan hệ đầu tư-thương mại giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Quốc hội Đức sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) đồng thời ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Thảo luận về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp hiệu quả và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức và diễn đàn đa phương, trong đó có đẩy mạnh hợp tác ASEAN-EU.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên chia sẻ lập trường về bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực, giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã có buổi gặp gỡ, thăm hỏi cộng đồng người Việt Nam tại Đức. Khẳng định, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Ngoại giao luôn quan tâm, chăm lo, hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, cộng đồng người Việt Nam tại Đức tiếp tục nỗ lực, đoàn kết gắn bó, vượt qua những khó khăn thách thức, phát huy nguồn lực của cộng đồng, đóng góp cho sự phát triển của đất nước và là cầu nối vững chắc cho mối quan hệ Đối tác chiến lược và gắn bó hữu nghị giữa hai nước.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao, Giấy khen của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác phòng chống dịch bệnh, thiên tai và hoạt động cộng đồng.

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Áo Alexander Schallenberg, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Cộng hòa Áo từ ngày 28-29/9.

Điểm nhấn cho dấu mốc 50 năm Việt Nam-Áo

Với điểm dừng chân thứ hai là Áo, chuyến thăm của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn diễn ra trong bối cảnh đặc biệt ý nghĩa khi hai nước kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1/12/1972-1/12/2022), đồng thời đánh dấu sự trở lại của các hoạt động đối ngoại song phương trực tiếp sau một thời gian dài bị cản trở bởi đại dịch Covid-19. Đáng chú ý, đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao hai nước trong 10 năm qua.

Với những ý nghĩa đó, chuyến thăm là cơ hội tuyệt vời để đánh giá quan hệ hai nước thời gian qua cũng như tạo động lực chính trị mạnh mẽ cho việc tăng cường hơn nữa quan hệ song phương trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Alexander Schallenberg, gặp Bộ trưởng Lao động-Kinh tế Martin Kocher và Bộ trưởng EU Karoline Edtstadler.

Nhân dịp đặc biệt này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng tham dự và chủ trì chương trình Ngày Việt Nam tại Áo năm 2022 cùng sự hiện diện các chính trị gia, doanh nghiệp và người dân tại Áo. Trong khuôn khổ chương trình, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn có nhiều hoạt động như cắt băng khai mạc Không gian văn hóa Việt Nam, đồng chủ trì Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Áo và khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Việt-Áo.

Áo và Việt Nam đã có mối liên hệ về giao thương từ cách đây hơn 150 năm. Đây cũng là một trong những nước đầu tiên tại châu Âu chính thức công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Từ đó đến nay, hai nước đã có sự tin cậy vững chắc về chính trị. Mặc dù hai nước cách xa về địa lý, khác biệt về lịch sử phát triển, đặc thù về kinh tế xã hội nhưng lại chia sẻ rất nhiều về nguyên tắc, giá trị, đề cao luật pháp quốc tế, công bằng trong hợp tác quốc tế và cố gắng xây dựng xã hội tốt đẹp, bảo đảm lợi ích quốc gia cũng như con người.

Áo đất nước 9 triệu dân, là một trong năm đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại EU, có giá trị thương mại dao động khoảng 3-5 tỷ USD trong những năm vừa qua. Đặc biệt, hiện nay Việt Nam là nước xuất siêu sang thị trường Áo. Việt Nam sẵn sàng tăng thêm nhập khẩu hàng hóa Áo với hàm lượng công nghệ rất cao, có thể giúp ích cho việc phát triển nền kinh tế, công nghiệp tại Việt Nam.

Áo rất mạnh trong công nghệ cao, nghiên cứu khoa học, ứng dụng nghiên cứu khoa học và đào tạo chuyên sâu, trong khi đây cũng là những lĩnh vực Việt Nam ưu tiên phát triển. Đặc biệt sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu phấn đấu cắt giảm phát thải bảo đảm phát triển bền vững.

Hướng tới sự phục hồi bền vững của hai nền kinh tế Áo và Việt Nam, chuyến thăm của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn được kỳ vọng sẽ là cú hích cho các hợp tác thương mại và đầu tư song phương trong thời gian tới.

Với nhiều ý nghĩa tốt đẹp và kết quả thực chất, chuyến thăm chính thức Đức và Áo của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đóng góp vào nỗ lực phục hồi phát triển kinh tế-xã hội thịnh vượng của đất nước, hiện thực hóa những cam kết về môi trường của Việt Nam, đồng thời vạch ra phương hướng hợp tác cùng phát triển với các đối tác quan trọng, truyền thống theo hướng vững bền trong tương lai.

“Chuyến thăm khẳng định quyết tâm của Chính phủ Việt Nam rằng, chúng ta không để đại dịch ngăn bước phát triển mà tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các đối tác quan trọng, truyền thống của ta”. - Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên

Trang Trần