Bỏ tư duy ngắn hạn khi ứng phó với các cú sốc

Thực thi chính sách dài hạn mới là nền tảng để nền kinh tế bước qua những khó khăn ngắn hạn

Vòng luẩn quẩn của chính sách ngắn hạn

Trong những năm gần đây, khủng hoảng diễn ra thường xuyên hơn. Khi kinh tế thế giới vẫn đang chao đảo vì Covid 19, xung đột Nga-Ukraine lại bồi thêm một cú sốc lớn vào sự phục hồi vốn đã rất yếu. Phản ứng chính sách lại một lần nữa phải ưu tiên cho các biện pháp ngắn hạn tập trung vào phục hồi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và ứng phó với ạm phát tăng cao. Gần đây nhất là chiến sự giữa Israel và Hamas ở Trung Đông với nguy cơ lan rộng sang toàn bộ khu vực, đẩy kinh tế thế giới một lần nữa vào những rủi ro lớn.

Như vậy là trong suốt ba năm, các nền kinh tế chỉ xoay quanh các chính sách đối phó ngắn hạn và dường như các ưu tiên trung và dài hạn bị gạt sang một bên. Thị trường tràn ngập các dự báo về số liệu lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp, kết quả kinh doanh của Mỹ từng quý, từng tháng, thậm chí tuần và rồi từ đó đưa ra các dự đoán liệu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sắp tới sẽ liệu có tăng lãi suất tiếp hay không, và tăng bao nhiêu, hay dừng lại.

Thị trường chứng khoán, tiền tệ, tài chính, bất động sản trồi sụt theo các dự báo, tạo điều kiện để tâm lý bầy đàn dẫn dắt thị trường, từ đó lại gây ra phản ứng chính sách ngắn hạn. Vòng tròn luẩn quẩn này cứ tiếp diễn trong suốt vài năm qua.

Câu chuyện tương tự xảy ra với Việt Nam. Nền kinh tế đã bước vào quý IV và phản ứng chính sách cũng chỉ vẫn quẩn quanh câu chuyện liệu tăng trưởng quý này ra sao, liệu có thể đạt 6,5% như Quốc hội đề ra hay không, báo cáo kinh doanh của doanh nghiệp quý này ra sao, chỉ số PMI tháng này lại dưới 50, liệu ngày mai tỷ giá USD/VND có vượt ngưỡng 24.600 hay không…

Kết quả là thị trường cổ phiếu, tỷ giá, chao đảo xung quanh các số liệu, sự kiện và dự báo theo quý, theo tháng và thậm chí theo tuần, châm ngòi cho sự bất an về tâm lý, để từ đó dẫn tới hàng loạt những quyết sách đuổi theo biến động ngắn hạn của thị trường. Các chính sách dường như mất sự định hướng trung và dài hạn, dẫn tới thiếu sự nhất quán.

Thực tế này cho thấy đã đến lúc phải chấp nhận tình trạng bất bình thường mới (new abnormal) của kinh tế thế giới, theo đó, tăng trưởng của toàn cầu sẽ chậm lại trong những năm tới, lạm phát sẽ dai dẳng, lãi suất sẽ duy trì cao hơn trước Covid 19, chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, rủi ro địa chính trị và địa kinh tế sẽ tiếp tục chia cắt nền kinh tế thế giới, thiên tai và dịch bệnh sẽ tiếp tục bùng nổ và những cú sốc sẽ trở nên thường xuyên hơn, khó lường hơn.

Trong bối cảnh “bất bình thường mới” này, nếu chính sách chỉ chạy theo phản ứng ngắn hạn, sẽ mất định hướng, kém hiệu quả và không nhất quán. Do vậy, cần từ bỏ tư duy chính sách ngắn hạn, không chạy theo những biến động, con số và sự kiện trước mắt mà mất phương hướng trung và dài hạn.

Kiên định cải cách thể chế

Trên thực tế, chúng ta đã thấy rõ rằng rất nhiều các phản ứng chính sách ngắn hạn của Việt Nam mặc dù được ban hành rất nhanh, nhưng lại gần như không thực hiện được như đã đề ra, ví dụ như chương trình phục hồi kinh tế, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2%, gói phát triển cơ sở hạ tầng, chương trình nhà ở xã hội thực hiện rất chậm. Nguyên nhân chính là do cơ chế thực hiện không hiệu quả, mà cơ chế thực hiện thì lại liên quan đến cải cách thể chế trong trung và dài hạn.

Đúng ra, những cú sốc địa chính trị, địa kinh tế và dịch bệnh trong ba năm vừa qua phải tạo đà và là tiền đề để đẩy mạnh các cải cách thể chế trung và dài hạn (crisis-driven reforms), như đã xảy ra trong những thập kỷ trước đây. Nhưng thực tế cho thấy các chính sách gần đây của Việt Nam chỉ tập trung vào các vấn đề trước mắt, và gần như lãng quên hoặc sao nhãng các mục tiêu cải cách trung và dài hạn.

Do vậy, đã đến lúc cần chấp nhận trạng thái “bất bình thường mới” của nền kinh tế thế giới, từ đó coi đây như là những động lực để thúc đẩy cải cách thể chế nhanh hơn, triệt để hơn, sâu rộng hơn nữa.

Rào cản thể chế là nguyên nhân chính khiến các nỗ lực cải cách quan trọng không thể phát huy hiệu quả. Trong thị trường tài chính, những bất cập về thể chế khiến thị trường vốn vẫn chưa thể phát triển để chia sẻ gánh nặng với hệ thống ngân hàng. Lãi suất có thể hạ nhưng doanh nghiệp cũng chưa chắc hấp thụ được vốn tín dụng được vì vướng các vấn đề thể chế.

Giải ngân đầu tư công liên tục bị nhỡ kế hoạch nhiều năm cũng do sự thiếu hiệu quả thể chế. Các thách thức với mạng lưới an sinh xã hội cũng đều là vấn đề thể chế. Quản lý đô thị, quản lý đất đai liên tục bị thay đổi, thậm chí là vỡ quy hoạch cũng là ở khâu thể chế. Gần như toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế đều bị hàng rào thể chế làm giảm đi hiệu quả, thậm chí không thể phát triển nổi.

Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều kế quả đáng khích lệ trong nhiều năm qua trong cải cách thể chế, nhưng dường như trong ba năm đối mặt với dịch bệnh và các biến động địa chính trị lớn đã làm ưu tiên cải cách thể chế trung và dài hạn phần nào đã bị gạt sang một bên bởi các ứng phó chính sách ngắn hạn và đang dần trở thành tư duy chính sách ngắn hạn.

Nhìn rộng ra, trên thế giới cũng như châu Á, từ sau Thế chiến thứ hai, chỉ có vài nền kinh tế đang phát triển trở thành các nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông. Sự thành công của các nền kinh tế này không hẳn là do mô hình phát triển kinh tế ưu việt, không hẳn là do sự hỗ trợ kinh tế của Mỹ và phương Tây trong chiến tranh lạnh, cũng không hẳn do họ có năng lực tốt hơn các nước khác. Cốt lõi và quan trọng nhất là do họ đã thành công trong cải cách thể chế.

Hầu hết các nước đang phát triển áp dụng mô hình kinh tế mở cửa, tự do hóa thương mại, tài chính, nhưng tại sao sau nhiều thập kỷ không thể trở thành những nền kinh tế phát triển? Cũng rất nhiều nước có năng lực và chuyên môn cao, về ngôn ngữ, văn hóa rất dễ hòa nhập với Mỹ và phương Tây, không những không phát triển, mà còn tụt hậu. Và cũng rất nhiều nền kinh tế còn nhận được sự hỗ trợ và có liên minh kinh tế và quân sự tương tự giữa Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông với Mỹ và phương Tây, nhưng vẫn giậm chân tại chỗ đến tận bây giờ.

Câu trả lời vẫn là cải cách thể chế. Đây cũng là mấu chốt quyết định sự phát triển hay không phát triển, thành công cũng như thất bại của mọi nền kinh tế. Vì nó rất khó nên cho đến nay chỉ có vài nền kinh tế thực sự thành công trong chặng đường này trên thế giới. Nhưng điều đó không có nghĩa là không làm được.

Nguyễn Minh Cường - Nguyên Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB Việt Nam