Bớt gánh nặng bài tập về nhà, học sinh Trung Quốc 'vui vẻ hơn' khi vào năm học mới

Năm học khó lường

Giảng dạy trực tuyến, đeo khẩu trang và xét nghiệm Covid thường xuyên tiếp tục "đồng hành" năm thứ ba cùng với các lớp học ở Trung Quốc.

Nhiều trường đã tổ chức khai giảng trực tuyến. Tại trung tâm công nghệ phía nam của Thâm Quyến, chính quyền địa phương thông báo tất cả học sinh sẽ học trực tuyến kể từ ngày 1/9, trong khi học sinh trung học phổ thông sẽ được quản lý trong một vòng khép kín ở khuôn viên trường.

Thâm Quyến đã kết thúc giãn cách xã hội 2 ngày tại 6 quận lớn vào cuối tuần và tiến hành xét nghiệm nhanh diện rộng nhằm giảm thiểu sự lây nhiễm trong cộng đồng.

Học sinh đeo khẩu trang tại 1 lớp học tại trường tiểu học ở quận Hải Điến, Bắc Kinh. Ảnh: Xinhua

Ở Thành Đô, học sinh mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở đã bắt đầu học kỳ vào đầu tuần qua nhưng phải học trực tuyến vì dịch bệnh bùng phát. Thành phố đã áp đặt 4 ngày phong tỏa và xét nghiệm toàn thành phố, và các biện pháp kiểm soát dịch sẽ tiếp tục được duy trì.

Việc trì hoãn năm học mới cũng đã được công bố ở Đông Bắc tỉnh Liêu Ninh, Đông Nam Hải Nam và Đông Sơn Đông.

Ở những thành phố nơi trường học hoạt động trở lại, các biện pháp chống dịch đã được thực hiện. Học sinh và ban giám hiệu theo dõi sức khỏe và xét nghiệm Covid-19 thường xuyên. Tại Thượng Hải, học sinh phải được xét nghiệm Covid và đo nhiệt độ hai lần mỗi ngày.

Ở Bắc Kinh, học sinh đã bắt đầu học kỳ mùa thu vào ngày 1/9 với điều kiện phải đeo khẩu trang và có kết quả xét nghiệm âm tính trong 48 giờ trước đó. Các bậc cha mẹ đã được yêu cầu in mã QR của con mình để xét nghiệm ở trường và xét nghiệm cuối tuần để các em có thể trở lại trường với kết quả âm tính.

Lần đầu tiên sau hơn hai năm, Trung Quốc đã mở cửa lại cho sinh viên quốc tế vào tháng 7 với những quy định kiểm dịch, cách ly nghiêm ngặt...

Với tình hình dịch bệnh bùng phát hiện nay, Trung Quốc được cho sẽ tiếp tục kiểm soát nghiêm ngặt, duy trì chính sách Zero-Covid (không Covid). Điều này chắc chắn sẽ gây áp lực và tạo thách thức đến hoạt động dạy và học. Giáo dục Trung Quốc buộc phải tiếp tục thích ứng năm thứ 3 với đại dịch.

"Vui vẻ hơn” khi vào năm học mới

Tuy nhiên, có thể nói học sinh Trung Quốc đang nở nụ cười rạng rỡ khi trở lại lớp học sau kỳ nghỉ hè thư giãn.

Một năm trước, Trung Quốc đã thực hiện chính sách "giảm kép" nhằm giảm bớt gánh nặng bài tập về nhà các môn học chính và dạy thêm cho học sinh trung học cơ sở và tiểu học. Bằng cách cắt giảm áp lực cho học sinh, chính sách “giảm kép” cho phép các em không chỉ dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi và vui chơi mà còn có đạt được nguồn lợi cần thiết cho sự phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ và thể chất.

Học sinh tiểu học tìm hiểu về phát triển nông thôn tại một ngôi làng ở thành phố Tiêu Tác, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), trong chuyến tham quan học tập ngày 12/8/2022. Ảnh: China Daily

Chính sách đã đi vào cuộc sống, những thay đổi đã tích cực đã diễn ra. So với một năm trước, học sinh Trung Quốc hiện nay có nhiều lựa chọn tự chủ và đa dạng hơn về các hoạt động ngoại khóa, đồng thời có thể phát huy sở thích và khả năng của mình, mở ra nhiều chân trời mới.

Đối với Nhạc Hân Dư, một học sinh lớp 3 đến từ Vũ Hán, một sự thay đổi đáng chú ý ở trường đó là lớp đã tan sớm hơn thường lệ vào buổi chiều.

"Sau giờ học, chúng em có thể chọn nhiều lớp học và buổi thảo luận dựa trên định hướng sở thích, hoặc ở lại lớp học để làm bài tập về nhà hoặc đọc những cuốn sách yêu thích của mình", cô bé Hân Dư nói.

Học sinh lớp dưới thường tham gia vào các lớp học bóng đá, bóng rổ, opera và nặn đất sét trong khi học sinh tiểu học cuối cấp thậm chí còn có nhiều lựa chọn hơn, bao gồm cả lập trình và khiêu vũ.

Hiệu trưởng trường Trung học Tây Sơn, thành phố Côn Minh Cao, thầy Phú Anh cho biết học sinh ngày nay ít bị quá tải bởi bài tập về nhà, vì giáo viên đã tăng cường giảng dạy trên lớp và tối ưu hóa giáo án cũng như lượng bài tập về nhà.

“Học sinh vui vẻ hơn trước”, Hiệu trưởng Cao nhận định.

Với ít áp lực hơn từ bài tập về nhà, các em có nhiều thời gian hơn cho các hoạt động ngoại khóa theo sở thích và đam mê của mình, dù là trên sân bóng hay trong một lớp học nghệ thuật.

Trong những thay đổi, thầy Cao nhìn thấy bản chất của giáo dục, đó là về sự phát triển toàn diện của một học sinh. Trường thầy đã cung cấp nhiều lớp học miễn phí, theo định hướng sở thích, bao gồm thể thao, khiêu vũ, hát hợp xướng, mỹ thuật, vẽ tay animation và nấu ăn.

Thực hiện chủ trương “giảm kép”, nhiều học sinh của trường đã đạt giải trong các cuộc thi cấp quốc gia, cấp tỉnh, và cấp thành phố.

"Trong các cuộc thi thể thao, học sinh của chúng tôi thậm chí còn vượt trội hơn học sinh của các trường chuyên về thể thao, và nhiều người không thể tin rằng chúng tôi chỉ là một trường trung học bình thường", Thầy Cao tự hào nói.

Tại hàng chục trường tiểu học ở phía Đông Bắc thành phố Thẩm Dương, các chương trình ngoại khóa có hướng dẫn viên, bao gồm nướng bánh, leo núi, chèo thuyền và trượt tuyết trong nhà thu hút và đem lại niềm vui cho học sinh.

Theo chia sẻ của mẹ Hân Dư, bà Đinh Ninh, cha mẹ cũng có vai trò trong chính sách "giảm kép".

Với ít bài tập về nhà hơn và nhiều thời gian rảnh hơn, trẻ em cần được giúp đỡ để tận dụng thời gian của mình tốt hơn, mẹ của Hân Dư cho biết.

Ngoài khiêu vũ, Hân Dư quan tâm đến lập trình đồ họa và đã học với cha trong một năm khi rảnh rỗi. Kỹ năng lập trình máy tính cho phép em thiết kế các hình ảnh, chẳng hạn như cây cối và Vạn Lý Trường Thành.

Bà Đinh Ninh nói: “Trí tuệ nhân tạo và máy móc đang ngày càng trở nên phổ biến và chúng tôi hy vọng con mình sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn những gì mình thích trong tương lai bằng cách phát triển niềm yêu thích với lập trình khi còn nhỏ”.

Bảo Huy (Theo The South China Morning Post, Bloomberg và China Daily)