BSC: VN-Index đang còn dư địa tăng tới ngưỡng 1.100 và 1.150 điểm

Ảnh minh họa.

Trong báo cáo tuần 50 (12-16/12), CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) đã cập nhật danh mục quỹ ETF FTSE Vietnam và ETF VNM quý 4 năm 2022.

Theo đó, ngày 9/12/2022, MVIS cũng đã công bố danh mục điều chỉnh – cơ sở ETF VNM thực hiện tham chiếu. Quỹ không thêm mới cổ phiếu nào, đồng thời loại bỏ 4 cổ phiếu bao gồm: BCG, DXG, ITA, THD. Như vậy sau kỳ review danh mục 1úy 4/2022, danh mục MVIS-Vietnam Index bao gồm 54 cổ phiếu trong đó có 40 cổ phiếu Việt Nam (tỷ trọng 73,76%) và 14 cổ phiếu nước ngoài (tỷ trọng 26,24%).

Trước đó, ngày 2/12/2022, FTSE đã công bố danh mục FTSE Vietnam All-share và FTSE Vietnam Index. FTSE đã thêm 3 cổ phiếu EIB, NT2, SAB và loại bỏ cổ phiếu: BCG, ITA, NKG ra khỏi danh mục FTSE Vietnam All-share; đồng thời không thêm mới cũng như loại bỏ cổ phiếu nào trong bộ chỉ số FTSE Vietnam Index.

Danh mục Quỹ ETF VNM và FTSE Vietnam dự kiến thay đổi đối với các cổ phiếu Việt Nam.

Nhận định về thị trường chứng khoán trong tuần 50, BSC cho biết, sau phiên chạy đà cuối tuần 48, VN-Index vẫn duy trì đà tăng điểm phiên đầu tuần 49 trước khi gặp áp lực chốt lãi mạnh qua đó hình thành mẫu nến evening star. Dù vậy nhịp thoái lui không mạnh do áp lực lực bán không thể duy trì tạo điều kiện cho VN-Index tích lũy trên 1.050 điểm với 3 cây nến doji.

Các chỉ báo kỹ thuật trên mức trung bình và chỉ số quay lại dải bollinger sau một đợt tăng trưởng nóng. Thanh khoản giảm ở nhịp chỉnh và duy trì ở mức tốt so với vùng đáy cũng như chưa xuất hiện tín hiệu đảo chiều. VN-Index cũng giữ trên đường trung bình SMA50 cho thấy xu hướng hồi phục vùng đáy vẫn đang được duy trì.

Một vài đặc điểm chú ý của đồ thị ngày: RSI giảm từ 65 xuống 56; MACD vượt trên mức 0 và mở rộng khoảng cách so với đường tín hiệu; thanh khoản giảm sau những phiên chốt lãi; VN-Index vượt SMA20, 50 và dưới SMA100 đồ thị ngày.

VN-Index có phiên rung lắc và chốt lãi rõ rệt trong phiên 12/6. BSC cho rằng đây là hiện tượng thường thấy sau một nhịp tăng mạnh, các tín hiệu tăng trưởng nóng xuất hiện với dải bollinger band và góc đồ thị trên 30 độ. Chỉ số sau đó củng cố đà tăng hiện tại thông qua biến động tích lũy quanh 1.050 điểm với sự luân chuyển dòng tiền qua một số ngành vừa giữ dòng tiền và tạo sự đồng thuận trước khi khởi động cho nhịp tăng mới.

Theo BSC, VN-Index vẫn đang còn dư địa tăng hướng tới ngưỡng 1.100 và 1.150 điểm trong vài tuần tới khi duy trì được trên ngưỡng hỗ trợ 1.020 – 1.032 điểm.

Đồ thị VN-Index.

Tình hình vĩ mô ủng hộ

Về tình hình vĩ mô, BSC cho biết thị trường hàng hóa biến động khá mạnh trong tuần qua với mức giảm -2,8%, dẫn đầu là mức giảm trên 10% của dầu thô và gas. Giá dầu giảm do lo ngại triển vọng suy thoái các nền kinh tế chủ chốt lấn át các thông tin hỗ trợ. Quặng sắt là một trong mặt hàng đi ngược chiều xu hướng hàng hóa khi ghi nhận mức 8%, qua đó ghi nhận mức tăng gần 25% trong vòng 1 tháng.

Trong tuần này, nhà đầu tư đón nhận thông tin quan trọng về CPI tháng 11 của Mỹ và sau đó là quyết định chính sách Fed.

Trong khi đó, Trung Quốc tiến gần đến việc chấm dứt hoàn toàn chính sách chống Covid hà khắc qua các chính sách công bố 7/12, theo đó người không có triệu chứng, hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ về hô hấp sẽ được phép cách ly tại nhà chứ không bị bắt buộc vào các cơ sở cách ly của chính phủ. Các hình thức kiểm soát đi lại cũng sẽ được gỡ bỏ, các biện pháp xét nghiệm PCR chỉ áp dụng khu vực nhà dưỡng lão, bệnh viện và trường học.

Mặc dù các ca nhiễm mới tại Trung Quốc duy trì ở mức đỉnh mới, Bắc Kinh, Thâm Quyến và một số thành phố khác đã chính thức nới kiểm soát Covid. Thị trường tài chính trước đó đã phản ứng tích cực với thông tin nới lỏng khi NDT vượt ngưỡng 7 NDT/USD và các thị trường chứng khoán hồi phục. Vậy là sau 3 năm chống dịch nghiêm ngặt, Trung Quốc đang có những chuyển biến sẵn sàng sống chung với dịch như các quốc gia trên thế giới khác.

Trong nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới hạn mức tín dụng tăng thêm 1,5% - 2% so với mục tiêu 14% xây dựng từ đầu năm. Mặc dù còn 1 tháng nữa là hết năm 2022, việc điều chỉnh này củng cố niềm tin doanh nghiệp để mở rộng và phát triển hoạt động sản xuất vào dịp Tết cũng như trong năm 2023.

Theo BSC, việc mở lại room tăng trưởng cho thấy NHNN đã chuyển trạng thái từ chạy theo đối phó với biến động thị trường thế giới tác động lên tỷ giá, lãi suất và tạo áp lực lạm phát sang chủ động điều hành hỗ trợ tăng trưởng khi bối cảnh ổn định các yếu tố trên không còn áp lực. Đây là tín hiệu cực cho doanh nghiệp, nền kinh tế qua đó dần hồi phục lại các kênh đầu tư.

Phạm Ngọc