Các bộ, ngành lên tiếng việc khách hàng 'ngại' vay gói hỗ trợ lãi suất 2%

Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), chia sẻ, vừa qua Vietinbank đã rà soát và lọc ra các khách hàng đủ điều kiện để cho vay gói hỗ trợ lãi suất, tiếp cận mời họ vay nhưng nhận được lời từ chối rất nhân văn là: “để dành nguồn lực cho Nhà nước lo việc khác”. Thực ra, họ không muốn vay, bởi hỗ trợ lãi suất 2%, tính ra không nhiều mà thủ tục phức tạp, sau này còn phải quyết toán, phải chứng minh vay vốn sử dụng đúng ngành nghề được hỗ trợ, bị thanh tra, kiểm tra… nên rất ngại.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thủ tục từ đăng ký, phê duyệt, giải ngân, quyết toán… của gói hỗ trợ này khá phức tạp, phải qua nhiều khâu, nhiều bộ, ngành quản lý. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng,... đều có thể kiểm tra hồ sơ của khoản vay được hỗ trợ lãi suất bất cứ lúc nào. Đây chính là nguyên nhân khiến khách hàng e ngại, phải làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền.

Nhiều khách hàng không muốn vay gói hỗ trợ lãi suất 2% vì ngại thanh tra.

Trước băn khoăn của doanh nghiệp và ngân hàng, đại diện Thanh tra Chính phủ khẳng định: “Trong quá trình triển khai thực hiện, kể cả công tác thanh tra, kiểm tra kiểm toán, chúng tôi chủ yếu bám sát trên cơ sở các quy định. Vì vậy quy định càng rõ bao nhiêu càng thuận lợi cho quá trình triển khai bấy nhiêu. Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành liên quan cần nghiên cứu xem xét thêm các kiến nghị của các NHTM”.

Trong khi đó, bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp các Bộ, ngành có liên quan để có những quy định cụ thể hơn, có định lượng trong quá trình thực hiện.

Với những nội dung cần thực hiện thấy không thể thực hiện được, Kiểm toán Nhà nước cho rằng cần mạnh dạn báo cáo với các cấp có thẩm quyền sớm. Kiểm toán Nhà nước sẵn sàng tổng hợp ý kiến của các NHTM về các khó khăn vướng mắc, tìm nguyên nhân và đề xuất với các cấp có thẩm quyền.

“Thời gian vừa qua, Kiểm toán Nhà nước chưa tổ chức kiểm toán chương trình hỗ trợ lãi suất 2% được vì trên thực tế chưa triển khai được nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ có công văn đề nghị NHNN, NHTM báo cáo với Kiểm toán Nhà nước để kịp thời có biện pháp hỗ trợ”, bà Dung cho biết thêm.

Về một số đề nghị mở rộng đối tượng được hỗ trợ lãi suất 2%, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với NHNN, Bộ Tài chính để nghiên cứu, rà soát và đánh giá tác động của chính sách. Để quy định ra 8 ngành như trong Nghị quyết 31, đã có sự tính toán kĩ lưỡng và đầy đủ. Chính sách hỗ trợ phải có trọng tâm trọng điểm, có mục đích.

Đối với các kiến nghị của NHTM về mở rộng đối tượng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các NHTM gửi ý kiến lên Ngân hàng Nhà nước, sau đó tổng hợp và gửi cho Bộ. Từ đó, Bộ sẽ nghiên cứu và giải đáp. Ngoài ra, việc mở rộng đối tượng thụ hưởng sang những ngành khác, cần phải đánh giá kỹ lưỡng các đối tượng này và cân đối nguồn lực của Nhà nước khi nguồn lực Nhà nước đang có hạn. Một số vấn đề đánh giá các tiêu chí mang tính định tính như có khả năng trả nợ, khả năng phục hồi,... vấn đề này Bộ sẽ phối hợp NHNN xem xét xem có khả năng phục hồi và sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Bên cạnh vướng mắc về thủ tục, nhiều ngân hàng lo ngại Bộ Tài chính cấp kinh phí chậm, nhiều khoản cho vay hỗ trợ lãi suất từ năm 2009 đến nay vẫn chưa được Bộ Tài chính quyết toán.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Dương, Vụ Phó Vụ Tài chính – Ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết, nội dung về bố trí nguồn và quy trình thủ tục quyết toán hồ sơ đã được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật. Nguồn vốn thực hiện chương trình này cơ bản được bố trí.

"Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì phối hợp với NHNN, chính thức trình Quốc hội, sau đó Chính phủ triển khai. Bộ Tài chính cam kết khi nguồn được bố trí trong kế hoạch đầu tư công, Bộ sẽ thực hiện cấp kinh phí theo đúng quy định và kịp thời cho các NHTM có nguồn lực triển khai chương trình này", ông Dương nói.

T.H