Các tập đoàn Singapore viết lại chiến lược kinh doanh hậu Covid

Một xưởng đóng giàn khoan của Công ty Keppel Fels, đơn vị thành viên của Tập đoàn Keppel tại Singapore. Ảnh: Straits Times

Trong hai năm qua, ít nhất 8 tập đoàn, nơi nhà nước Singapore nắm quyền kiểm soát, công bố các thương vụ sáp nhập, thâu tóm, thanh lý tài sản hoặc cổ phần hóa trong một cuộc cải tổ kinh doanh lớn nhất trong hai thập kỷ ở đảo quốc sư tử.

Tập đoàn đầu tư đa ngành Keppel với trọng điểm là dầu khí và đóng giàn khoan xa bờ, cơ sở hạ tầng và bất động sản, đã chuyển hướng sang năng lượng sạch, trong khi đó, Tập đoàn Sembcorp Industries đã cắt bỏ hoàn toàn hoạt động kinh doanh giàn khoan của mình. Tập đoàn viễn thông Singapore (SingTel) đang bước vào thế giới ngân hàng số.

Kenneth Tang, Giám đốc danh mục đầu tư tại Công ty Nikko Asset Management, nói: “Tôi so sánh sự chuyển đổi này với giai đoạn tái cấu trúc của các tập đoàn Singapore vào đầu những năm của thập niên 2000 sau hậu quả của virus SARS (gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và cú sụp đổ của bong bóng dot-com. Đây là những điểm rất đen tối đối với Singapore nhưng lại là chất xúc tác để tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ”.

Trong nhiều thập kỷ qua, chính phủ Singapore đã định hướng tương lai kinh tế của quốc gia thông qua một nhóm tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước. Các tập đoàn này chuyển hướng khi cần thiết để duy trì sự thích ứng trong nền kinh tế toàn cầu. Nhưng việc viết lại chiến lược kinh doanh mới cho đất nước có thể khó khăn hơn khi các tập đoàn khổng lồ của Singapore phải đối đầu với các đối thủ cạnh tranh thường non trẻ và linh hoạt hơn.

Chính phủ Singapore đã bơm hàng tỉ đô la trong những năm gần đây để chuyển đổi 23 ngành kinh doanh bao gồm sản xuất, dịch vụ tài chính và bất động sản để thích ứng với những thách thách thức của số hóa. Đồng thời, Singapore đã vạch lộ trình đến năm 2030 để trở thành một trung tâm khu thương mại carbon và tài chính xanh của khu vực châu Á.

Singapore đã phân bổ khoảng 25 tỉ đô la Singapore (18,4 tỉ đô la Mỹ) cho các hoạt động nghiên cứu trong các ngành như y tế và khoa học y sinh, biến đổi khí hậu và trí tuệ nhân tạo trong giai đoạn từ nay đến 2025. Chính phủ Singapore đã hỗ trợ thành lập một loạt công ty dẫn dắt trong ngành trên để tìm các cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực như robot, thương mại điện tử, số hóa chuỗi cung ứng.

Đối với Keppel, Sembcorp Industries và Sembcorp Marine (công ty con của Sembcorp Industries), sự thay đổi củanền kinh tế toàn cầu đang buộc họ phải nỗ lực loại bỏ hoặc hợp nhất các mảng kinh doanh liên quan đến dầu mỏ và tập trung vào năng lượng tái tạo như điện gió xa bờ và nhiên liệu sạch hydrogen.

Đó là sự thay đổi lớn đối với Singapore, một trong những trung tâm kinh doanh dầu và lọc dầu hàng đầu thế giới, đặc biệt là vào thời điểm giá nhiên liệu đang tăng. Singapore là trung tâm xuất khẩu nhiên liệu và lọc dầu lớn thứ năm thế giới, với công suất 1,5 triệu thùng/ngày, theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ.

Chính phủ Singapore cũng đang thúc đẩy các dịch vụ thân thiện với môi trường trong các lĩnh vực như công nghệ nông nghiệp và quản lý chất thải. Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Một trong những thay đổi đáng chú ý mà chính phủ Singapore đang thực hiện để chuyển đổi lĩnh vực tài chính là cấp phép cho các ngân hàng số. Ba ngân hàng truyền thống của Singapore bao gồm DBS Group Holdings, cũng đang mở rộng các dịch vụ số hóa. Tuy nhiên, các tập đoàn của Singapore thừa nhận quá trình thay đổi sẽ diễn ra từ từ. Keppel dự đoán sẽ mất 2-4 năm để tái cấu trúc mảng kinh doanh đóng giàn khoan xa bờ.

Trong khi tăng cường tập trung vào năng lượng tái tạo, Keppel vẫn mở rộng hoạt động kinh doanh khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Tập đoàn này đang đàm phán để sáp nhập hoạt động chế tạo giàn khoan của mình với đối thủ nhỏ hơn là Sembcorp Marine, vốn đã dần chuyển sang lĩnh vực năng lượng sạch trong những năm gần đây.

Sembcorp Industries đã và đang triển khai các dự án điện mặt trời và điện gió trên khắp Ấn Độ, Trung Quốc và Vương quốc Anh, nhưng phần lớn doanh thu của tập đoàn vẫn phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh nhiên liệu hóa thạch như than và khí đốt tự nhiên.

Thilan Wickramasinghe, nhà phân tích tại Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng Securities Pte, cho biết: “Những thay đổi chiến lược mà chúng ta đang chứng kiến ở Singapore từ số hóa, giảm khí thải cho đến chuyển hướng sang các mô hình kinh doanh bền vững sẽ cần những chặng đường dài”.

Theo Bloomberg

Chánh Tài