Các triệu chứng hậu COVID dễ bị bỏ qua, bạn cần chú ý

Theo bác sĩ CKII Nguyễn Thắng Lợi, Giám đốc chuyên môn kiêm Trưởng khoa Khám bệnh – Bệnh viện ĐKQT Bắc Hà, hội chứng COVID kéo dài gây tổn thương và biểu hiện triệu chứng ở các cơ quan như hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, tiêu hóa, nội tiết, thận, da, lông... Tùy vào tình trạng mỗi người bệnh mà các triệu chứng biểu hiện khác nhau. Các triệu chứng lâm sàng hậu COVID-19 thường gặp nhất là:

- Mệt mỏi kéo dài, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng, ngủ kém, giấc ngủ không sâu.

- Đau cơ: đau nhiều cơ vùng sau cẳng chân 2 bên, đau tức 2 bên, đau tăng khi vận động, đi lại.

- Đau khớp xương: hay gặp ở các khớp gối, khớp ngón bàn tay, khớp cổ tay 2 bên.

- Ho, có người ho kéo dài: có trường hợp chỉ ho khan húng hắng, kèm theo rát họng. Có người ho có đờm, ho tăng lên khi về đêm hoặc khi thời tiết chuyển lạnh.

Bệnh nhân nhờ bác sĩ tư vấn hậu COVID-19.

- Đau tức ngực: cảm giác đau tức nặng hai bên ngực, đau có lúc mơ hồ, đau khi hít vào sâu hoặc khi cử động. Khi khám vùng ngực thì không rõ điểm đau, như đau dây thần kinh liên sườn.

- Khó thở, đặc biệt là khó thở khi vận động gắng sức.

- Rụng tóc, nổi mẩn da.

- Mất mùi vị hoặc rối loạn cảm giác vị giác, khứu giác.

- Thay đổi giọng nói: biểu hiện này có thể gặp khi đang trong giai đoạn mắc bệnh nhưng khi khỏi bệnh vẫn tồn tại không hết.

- Giảm khả năng nhận thức, giảm tập trung, lú lẫn.

- Các rối loạn tâm lý, như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ.

- Sốt: có trường hợp điều trị đã khỏi bệnh (tiêu chuẩn khỏi bệnh), nhưng sau đó lại sốt, có người sốt nhẹ >370C, có trường hợp sốt > 380C. Sốt đơn độc không kém triệu chứng về hô hấp

Không chỉ biểu hiện bằng các triệu chứng lâm sàng kể trên, mà ở người bệnh còn có thể xuất hiện những bất thường cận lâm sàng như tăng men tim kéo dài; rối loạn đường huyết; rối loạn hormon giáp; giảm độ lọc cầu thận; rối loạn chức năng hô hấp (giảm độ khuếch tán phổi, hạn chế dung tích phổi); bất thường hình ảnh học (xơ phổi, giãn phế quản trên CT scan ngực, rối loạn chức năng tâm thất qua siêu âm tim)...

Người bệnh nên làm gì?

Để phát hiện sớm tình trạng mắc di chứng hậu COVID-19, các chuyên gia khuyên người bệnh sau khi xuất viện và nhận kết quả âm tính cần đến các cơ sở y tế để khám trong 2-4 tuần. Thời gian này người bệnh kiểm tra định kỳ xét nghiệm, thực hiện chụp X-quang chuyên sâu tim để đánh giá tổng quát, tầm soát.

Điều trị triệu chứng hậu COVID-19 càng sớm càng tốt. Việc tiếp tục chữa trị kiên nhẫn và lâu dài triệu chứng sau khi hết COVID-19 sẽ giúp mọi người giảm các tổn thương, ngăn ngừa các tổn thương lâu dài.

Người bệnh đi khám hậu COVID-19.

Dinh dưỡng hậu COVID-19

Theo bác sĩ CKII Nguyễn Thắng Lợi, người bệnh cần chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ để phục hồi tốt nhất sau COVID-19. Mọi người cần bổ sung đủ nước, chất xơ protein/tinh bột và vitamin để phục hồi tối đa các mô bị tổn thương; chế độ ăn uống bắt đầu bằng nhiều bữa ăn nhỏ, đủ rau xanh, trái cây, protein/tinh bột.

Người bệnh cần lưu ý uống nước đầy đủ, có thể dùng nước lọc kết hợp nước trái cây để có đủ vitamin.

Khi có một chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng với rau củ quả, trái cây tươi, thịt ít chế biến, người bệnh không cần phải uống thêm vitamin hay thuốc bổ.

Người bệnh nên hạn chế ăn đường, không uống rượu, hút thuốc, không nên nhiều uống cafe/trà vì có thể gây khó ngủ. Ngoài ra, người bệnh cũng không ăn mặn và các loại thực phẩm có nhiều muối như giò, chả, xúc xích, đồ hộp, đồ biển, đồ khô, các thực phẩm muối chua…Mọi người cũng nên hạn chế các loại thực phẩm, đồ uống có nhiều gas...

Thanh Hải