Cải thiện môi trường kinh doanh, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp

Môi trường kinh doanh còn nhiều tồn tại

Theo TS. Nguyễn Minh Thảo – Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Năm 2023, CIEM đã rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc 15 lĩnh vực quản lý nhà nước và nhận diện 9 vấn đề còn tồn tại: Thứ nhất, số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện trên thực tế lớn hơn số lượng (229) ngành theo danh mục thuộc Phụ lục IV Luật Đầu tư. Nhiều ngành nghề “cắt giảm” chủ yếu dưới hình thức gộp tên ngành nghề hoặc sử dụng tên ngành nghề có phạm vi điều chỉnh mở rộng để rút họn về hình thức số lượng ngành nghề.

Cải thiện môi trường kinh doanh sẽ kích thích doanh nghiệp phát triển

Thứ hai, số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc một số lĩnh vực quản lý nhà nước cũng tăng lên qua mỗi đợt sửa đổi danh mục.

Thứ ba, có sự khác biệt, không thống nhất về tên ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật Đầu tư và pháp luật chuyên ngành.

Thứ tư, ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật Đầu tư nhưng không tìm thấy ngành nghề tương ứng tại pháp luật chuyên ngành.

Thứ năm, ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật Đầu tư nhưng Chính phủ chưa quy định về điều kiện kinh doanh tương ứng.

Thứ sáu, ngành nghề kinh doanh đã được đưa ra khỏi Danh mục phụ lục IV của Luật Đầu tư, nhưng Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh vẫn còn hiệu lực thi hành.

Thứ bảy, không nhất quán trong xác định ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Thứ tám, một số ngành nghề thiếu thuyết phục về sự cần thiết phải quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Thứ chín, một số văn bản pháp luật chuyên ngành quy định về điều kiện kinh doanh, nhưng ngành nghề không được quy định tại danh mục Phụ IV của Luật Đầu tư.

“Có thể thấy, việc thu gọn ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa thực chất, chưa đúng tinh thần cải cách tạo thuận lợi, cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp – bà Nguyễn Minh Thảo khẳng định.

Kết quả rà soát điều kiện kinh doanh của CIEM năm 2023 cũng chỉ ra một số bất cập, đó là: Còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định; điều kiện kinh doanh lồng ghép và chứa đựng các giấy phép; vẫn tồn tại điều kiện kinh doanh không cần thiết; điều kiện kinh doanh lồng ghép trong các quy chuẩn kỹ thuật; điều kiện kinh doanh thể hiện dưới hình thức chứng chỉ khá phổ biến.

Cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau 2 năm tác động Covid-19

Cải thiện môi trường kinh doanh, nhiệm vụ không thể châm trễ

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2023 Việt Nam có 217,7 nghỉn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,5% so với năm 2022. Tuy nhiên, cũng nghi nhận 172,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,5% so với năm 2022.

Bình luận về con số này, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI cho rằng: Mặc dù số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường năm 2023 tăng so với năm 2022 (tăng 4,5%) nhưng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lại rất lớn, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2022 và cao nhất kể từ năm 2017 đến nay.

Quý I/2024, Theo số liệu từ ộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 59.848 doanh nghiệp, thấp hơn số doanh nghiệp tạm thời hoặc rút lui khỏi thị trường là 73.978 doanh nghiệp, như vậy, 3 tháng đầu năm cả nước mất khoảng 14 nghìn doanh nghiệp.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến bức tranh doanh nghiệp trong năm 2023 và những tháng đầu năm thiếu tích cực, tuy nhiên nguyên nhân chính vẫn là môi trường đầu tư còn nhiều tồn tại chưa được khắc phục.

Cụ thể, theo TS. Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương (CIEM), có nhiều vấn đề doanh nghiệp phản hồi mấy năm nay nhưng chưa được giải quyết. Ví dụ như những tiêu chí, tiêu chuẩn liên quan đến phòng cháy chữa cháy.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, theo TS. Nguyễn Đình Cung, vấn đề quan trọng nhất, cần thực hiện ngay đó là tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động. Để làm được điều này, cơ quan chức năng cần tập hợp những vấn đề doanh nghiệp đang bức xúc nhất hiện nay trong thẩm quyền có thể giải quyết nhanh nhất thì hỗ trợ cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp lấy lại được niềm tin, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, sau 2 năm chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn phục hồi, trong khi đó, tình hình kinh tế trong nước và thế giới lại đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, bên cạnh cải thiện môi trường kinh doanh, theo TS. Nguyễn Đình Cung, Chính phủ cần kéo dài chính sách giảm thuế, miễn thuế cho doanh nghiệp, thể hiện rõ tinh thần chia sẻ, cùng đồng hành với doanh nghiệp trong lúc khó khăn.

Nguyễn Hòa