Cha mẹ nuôi dạy con thông minh, giỏi giang trong thời đại số nên tránh 4 câu nói này

Richard Culatta - tác giả cuốn sách "Kỹ thuật số vì điều tốt đẹp: Nuôi dạy trẻ phát triển mạnh trong thế giới trực tuyến" là Giám đốc điều hành của Hiệp hội Quốc tế về Công nghệ trong Giáo dục (ISTE), một tổ chức phi lợi nhuận phục vụ các nhà lãnh đạo giáo dục ở 127 quốc gia.

Là một chuyên gia ở cả hai mảng công nghệ và giáo dục, đến khi trở thành cha, Richard Culatta nhận ra rằng ông và vợ dường như không chuẩn bị đầy đủ để giúp con phát triển trong thế giới kỹ thuật số.

Richard Culatta thừa nhận ông chỉ tập trung nhắc nhở con về thời gian sử dụng thiết bị mà không phải lúc nào thông điệp của ông cũng đem lại hiệu quả.

Theo Richard Culatta, cách cha mẹ nói chuyện với con cái về việc sử dụng công nghệ có thể tác động rất lớn đến khả năng trở thành người thông minh và phát triển toàn diện của trẻ trong tương lai.

Sau nhiều năm nghiên cứu cách tiết chế thời gian sử dụng thiết bị của trẻ, ông đã phát hiện ra cách những bậc phụ huynh thành công nhất luôn giúp con họ tìm lại sự cân bằng giữa sử dụng thiết bị công nghệ và đời sống thực.

Dưới đây là 4 câu nói mà các bậc cha mẹ nuôi dạy con thông minh, giỏi giang trong thời đại số nên hạn chế sử dụng:

1. "Con nghiện điện thoại thông minh rồi đó"

Cha mẹ sử dụng câu nói này phổ biến nhất nhưng đó là thông điệp không rõ ràng, khó hiểu đối với một đứa trẻ.

Trên thực tế, bản thân thiết bị không gây nghiện mà là một số ứng dụng, phần mềm hoặc trang web cụ thể nào đó, khi sử dụng trong thời gian dài sẽ gây nghiện.

Thay vì nêu một câu chung chung như vậy, cha mẹ nên nêu rõ mối quan tâm thực sự của mình là gì. Vi dụ như cha mẹ thấy con mải chơi điện thoại, không tham gia các hoạt động thể chất, không chơi với anh chị em....

Thay vì nói rằng thời gian dùng điện thoại của con quá nhiều, cha mẹ có thể nói rằng "Hôm nay con chưa tập thể dục nhỉ", "Con chưa nói chuyện với cả nhà, dành thời gian cho gia đình kể từ khi đi học về đấy. Hãy làm điều gì đó để mẹ thấy rằng con biết cách cân bằng thời gian trong ngày" ....

2. "Con đã chơi trò chơi đó quá lâu rồi đấy"

Cách nói này cũng tập trung vào số lượng thời gian con trẻ dành cho một thiết bị công nghệ mà không chỉ ra được lỗi sai khi thực hiện hoạt động này.

Trẻ có thể hiểu rằng nếu xem một phim trên màn hình trong cùng số lượng thời gian như vậy, khoảng 2 giờ đồng hồ thì có thể sẽ không bị cha mẹ nhắc nhở.

Quy tắc cân bằng thiết bị kỹ thuật số yêu cầu cha mẹ phải biết đánh giá chất lượng của trò chơi, phần mềm con sử dụng. Nếu cảm thấy nó có ít giá trị cho trẻ thì nên loại bỏ sớm.

Thay vì sử dụng câu nói trên, cha mẹ có thể đặt câu hỏi cho con rằng "con muốn thực hiện hoạt động nào khác thay thế trong khoảng thời gian con chơi điện thoại không?"

3. "Đừng ngồi trước máy tính cả ngày nữa"

Đây là một thông báo đặc biệt khó hiểu với một đứa trẻ. Thậm chí nhiều cha mẹ yêu cầu trẻ dừng ngồi trước máy tính để đi đọc sách.

Nếu tính về khả năng vận động thì ngồi một chỗ đọc sách sẽ ít hoạt động hơn so với sử dụng một thiết bị công nghệ. Chưa kể đến việc trẻ hoàn toàn có thể đọc sách trên máy tính, thiết bị công nghệ của chúng.

Nếu cha mẹ lo lắng con không đủ thời gian để học bài thì bạn nên trò chuyện với con, thảo luận về tầm quan trọng của việc đảm bảo thời gian học, chia thời gian sử dụng thiết bị hợp lý trong ngày.

Nếu cha mẹ lo lắng về việc con ít hoạt động thể chất thì hãy tìm thời điểm thích hợp để nhắc con luyện tập, có thể chơi môn thể thao con thích hoặc đi xe đạp, chạy bộ...

4. "Con phải tương tác, giao tiếp với nhiều người thực hơn".

Đây dường như là một câu nói không có ý nghĩa gì đối với những đứa trẻ quen tương tác với nhiều người thông qua các phần mềm trò chuyện trên điện thoại thông minh hơn là khi con không sử dụng điện thoại.

Một trong những lợi thế chính khi tham gia vào thế giới ảo là cho phép con người tương tác với nhiều người hơn bạn có thể làm trong thế giới thực.

Cha mẹ nên xác định rõ mục đích muốn nhắc nhở con trước khi đưa ra câu lệnh. Ví dụ như cha mẹ muốn con dành thời gian cho gia đình, bạn bè thì có thể nói "Gia đình của con cũng đang chờ con kể chuyện đây này", Sẽ tốt hơn nhiều nếu con nói chuyện, tương tác trực tiếp với bạn bè".

Hoàng Dung (lược dịch)