Châu Á có cứu được kinh tế thế giới 2023?

Nền kinh tế Trung Quốc không còn là siêu anh hùng

Thực tế là thế giới đang ở trong một tình huống rất khác so với năm 2008. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 bắt đầu với làn sóng vỡ nợ của những người vay nặng lãi nhất trên thị trường nhà ở Mỹ, cụ thể là thị trường thế chấp dưới chuẩn, lan nhanh sang phần còn lại của thế giới thông qua kênh tài chính.

Vào thời điểm đó, Trung Quốc đã xoay xở để giảm bớt tác động của cú sốc tài chính cũng như sự sụp đổ của các nền kinh tế phương Tây nhờ một chương trình kích thích khổng lồ ước tính khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội. Điều này khiến các biện pháp kích thích liên quan đến Covid của phương Tây gần đây trở nên nhạt nhòa.

Tia sáng tiềm năng từ châu Á đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm 2023 không còn đến từ các kích thích tài chính hay tiền tệ mà từ các biện pháp siết chặt của chính sách Zero Covid (không có Covid) của Trung Quốc, chính sách này rõ ràng đã kéo lùi tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 cũng như các năm 2020 và 2021.

Với tốc độ mở cửa nền kinh tế rất nhanh mà Trung Quốc đang thực hiện, chúng ta có thể kỳ vọng tốc độ tăng trưởng GDP gần gấp đôi so với năm 2022 của Trung Quốc sẽ có những tác động tích cực đối với phần còn lại của thế giới, nhưng tác động này không thực sự nổi bật.

Điều này bắt nguồn từ một số lý do. Đầu tiên là môi trường bên ngoài của chính Trung Quốc tồi tệ hơn rất nhiều so với sau khi nước này thoát khỏi làn sóng Covid đầu tiên vào năm 2021. Vào thời điểm đó, các nền kinh tế phương Tây đang trải qua nhu cầu bị dồn nén rất lớn và chính sách tiền tệ của họ vẫn còn lỏng lẻo.

Giờ đây, cả Mỹ và châu Âu đang đứng trước một cuộc suy thoái (ít nhất là suy thoái kỹ thuật) với các biện pháp tiền tệ siết chặt: lãi suất cao kỷ lục để chống lại lạm phát chưa từng có, ít nhất là so với vài thập kỷ trước.

Trong khi đó, phần lớn các nước mới nổi đang gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc trả nợ, vốn cần được trả ở mức lãi suất cao hơn nhiều.

Ngoài xuất khẩu yếu kém và chu kỳ tài chính toàn cầu ngày càng xấu đi, niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc sẽ cần thời gian để phục hồi hoàn toàn, đặc biệt là do tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao và thu nhập khả dụng tăng trưởng chậm.

Thực tế là sự thay đổi đột ngột trong các chính sách của Covid giải thích tại sao người Trung Quốc phải mất một thời gian để đưa ra các quyết định tiêu dùng, đặc biệt là trong các dịch vụ và hàng hóa lâu bền, chưa kể đến nhà ở.

Thêm vào những trở ngại, không gian tài chính của Trung Quốc hiện nhỏ hơn nhiều so với năm 2008 do nợ công tích lũy mạnh mẽ kể từ đó. Về mặt tiền tệ, dư địa cắt giảm lãi suất cũng bị hạn chế bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ rất hiếu chiến và lãi suất tăng cao trên toàn cầu.

Nhìn chung, Trung Quốc sẽ có thể tăng trưởng 5,5% vào năm 2023 từ mức dưới 3% vào cuối năm 2022. Con số này khác xa so với mức 8% vào năm 2008 hay 8,1% vào năm 2021, sau đợt Covid đầu tiên. Nói cách khác, sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với những gì người ta có thể mong đợi dựa trên việc mở cửa nhanh chóng nền kinh tế của nước này sau các chính sách nghiêm ngặt không có Covid.

Một góc thành phố Thượng Hải. Nguồn: CGTN

Nam và Đông Nam Á mất đi lợi thế

Chuyển sang phần còn lại của châu Á, năm 2023 cũng sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với năm 2022. Bởi năm ngoái là thời điểm đặc biệt tích cực đối với hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, chứ chưa nói đến Ấn Độ, nhờ hiệu ứng tích cực trong chính sách mở cửa lại các nền kinh tế.

Nhân tố tích cực mang tính bước ngoặt này sẽ không còn nhiều tác dụng vào năm 2023, trong khi lãi suất sẽ cao hơn nhiều sau khi các ngân hàng trung ương châu Á cố gắng theo chân FED, mặc dù nhìn chung là “nhẹ nhàng” hơn nhiều.

Tuy nhiên, phần lớn lạm phát mà các khoản trợ cấp năng lượng và lương thực đã cố gắng giảm thiểu vào năm 2022 có thể xuất hiện vào năm 2023 do các nền kinh tế châu Á không còn có thể gánh chịu chi phí tài chính của các khoản trợ cấp đó.

Về mặt tích cực, đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ tiếp tục chảy vào Đông Nam Á và Ấn Độ vào năm 2023 khi chuỗi cung ứng tiếp tục cải tổ ngay cả sau khi Trung Quốc mở cửa, nhưng lượng đầu tư có thể sẽ vừa phải hơn.

Nhìn chung, các nền kinh tế Đông Nam Á, cũng như Ấn Độ, dự kiến sẽ giảm tốc vào năm 2023, điều này sẽ làm lu mờ thêm tác động tích cực đối với phần còn lại của thế giới khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau chính sách không có Covid.

Quỳnh Vũ
Theo Asia Times