'Chính sách hỗ trợ đã thông thoáng, địa phương đừng thêm thủ tục'

Sáng 14/7, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và đề ra nhiệm vụ 6 tháng cuối năm với ngành lao động, người có công và xã hội.

Hội nghị được kết nối trực tuyến với các tỉnh, thành phố, trọng tâm nội dung hướng đến việc triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cho người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

33 tỉnh, thành đã có kế hoạch hỗ trợ

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết trong 6 tháng đầu năm, ngành lao động gặp nhiều thách thức lớn với tác động của đại dịch. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực phi chính thức (lao động tự do) tăng rất nhanh, vượt trên 60%.

Theo ông Dung, cùng với ảnh hưởng của đứt chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu thì nguy cơ đứt chuỗi lao động là hiện hữu. Biến chủng mới của virus đã xâm nhập vào thành trì, pháo đài quan trọng nhất là khu vực công nghiệp, khu chế xuất. Đây là khu vực quan trọng để duy trì mục tiêu kép của cả nước.

Riêng với TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH cho rằng đây là 3 địa phương đáng lo ngại vì số lượng công nhân lớn với tổng trên 3 triệu, chiếm 1/4 số lao động của cả nước.

"Vì vậy, nếu các địa phương này giữ được thành trì, thì cả nước sẽ giữ được thành trì", Bộ trưởng LĐTB&XH nói.

Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị sáng 14/7. Ảnh: Mạnh Dũng.

Ông Dung cho biết dịch bệnh tại các tỉnh miền Nam phức tạp vì nhiều yếu tố về địa giới, con người, trung chuyển. Với mức độ ảnh hưởng sâu rộng đến công nhân và người lao động, các địa phương cần khẩn trương triển khai Nghị quyết 68 về hỗ trợ lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Hiện, Bộ LĐTB&XH đã nhận được báo cáo về kế hoạch triển khai gói hỗ trợ của 33 tỉnh, thành phố. Do đó, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH yêu cầu "các đơn vị đã có quyết định của UBND tỉnh rồi thì tập trung triển khai ngay, địa phương nào chưa có thì phải lên kế hoạch ngay trong tuần này, không thể chậm trễ hơn nữa".

Hà Nội cần "bớt thủ tục"

Theo bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội, ngành lao động của thủ đô gặp nhiều áp lực lớn với địa bàn rộng, dân cư đông, số lượng lao động và doanh nghiệp lớn.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 68, Sở đã thành lập tổ công tác để tham mưu cho UBND Hà Nội triển khai thực hiện chính sách đối với người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn. Ngoài ra, đơn vị thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân.

Bà Hương cho biết Sở LĐTB&XH Hà Nội đã hoàn thiện dự thảo lần 1 và đang xin ý kiến các sở, ngành góp ý để hoàn thiện quyết định, trình UBND Hà Nội. Thành phố phấn đấu trong tháng 7 sẽ hoàn thiện quy trình, kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ với các đối tượng thụ hưởng.

Lãnh đạo Bộ LĐTB&XH cho rằng Hà Nội đang chậm trễ trong việc triển khai gói hỗ trợ, đặc biệt với lao động tự do chịu ảnh hưởng bởi dịch. Ảnh minh họa: Hải Nam.

Nói về tiến độ xây dựng kế hoạch và triển khai gói hỗ trợ của Hà Nội, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng thành phố đang chậm và cần "giảm mức độ cầu toàn trong thủ tục hành chính". Trong một tháng qua, Hà Nội phải 2 lần tạm dừng hoạt động kinh doanh, dịch vụ, do đó ngành lao động của thủ đô phải quyết liệt hơn.

"Nghị quyết, hướng dẫn đã ban hành, quy định chi tiết bằng văn bản rồi nên tinh thần là không cần thêm thủ tục hành chính. Hà Nội cần triển khai ngay gói hỗ trợ, nhất là cho lao động tự do", ông Dung nói.

Trong khi đó, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH đánh giá cao quyết tâm của TP.HCM khi đã có các bước triển khai hỗ trợ cho lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh một cách bài bản, quyết liệt. Gói hỗ trợ 886 tỷ đồng của thành phố đi đúng hướng với đối tượng hỗ trợ ưu tiên là lao động tự do.

TP.HCM cho biết việc hỗ trợ cho lao động tự do sẽ hoàn thành trong ngày 15/7, sau đó chuyển sang hỗ trợ đối tượng khác, trong đó ưu tiên lao động phải nghỉ việc hoặc ngưng việc mà không có giao kết hợp đồng.

Ngoài 2 địa phương trên, Đồng Nai, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng... cũng đã có kế hoạch cụ thể về gói hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các địa phương cam kết sẽ triển khai ngay trong những ngày tới.

"Không cầu toàn, không nặng nề thủ tục"

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng trước tình hình mới về dịch bệnh, ngành và địa phương vẫn kiên định theo đuổi mục tiêu kép nhưng phải đổi mới tư duy.

"Mục tiêu kép bây giờ là phát triển kinh tế lẫn phòng dịch ở những nơi mà dịch chưa tấn công, còn nơi dịch đang tấn công thì tập trung chống dịch. Đây là chủ trương rất linh hoạt", ông Dung nói.

Theo đó, tư lệnh ngành lao động cho rằng những doanh nghiệp chưa chịu ảnh hưởng bởi dịch thì cần tập trung củng cố thị trường lao động. Còn đơn vị đang bị ảnh hưởng thì cần lên kế hoạch phục hồi sau dịch, biến nguy thành cơ để đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện chính sách.

Trên cơ sở đó, ông Dung lưu ý địa phương khi triển khai gói hỗ trợ cũng phải lấy an toàn cho người dân đặt lên hàng đầu; không được để ai bị thiếu cơm, thiếu mặc.

Bộ trưởng LĐTB&XH cho rằng địa phương cần có quyết tâm cao hơn, "làm bằng cả hành động và trái tim, bằng tấm lòng với người nghèo gặp khó khăn". Ông nhấn mạnh một lần nữa về việc địa phương không cầu toàn, không nặng nề về thủ tục để người dân dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ.

"Chính sách Chính phủ ban hành cởi mở, thông thoáng hết mức rồi nên địa phương đừng ban hành, yêu cầu thêm thủ tục gì nữa. Chỉ có bớt đi thôi chứ đừng thêm. Chính sách đưa ra cần dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm và dễ kiểm tra", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Mỹ Hà