Chờ đợi dòng tiền lan tỏa sang nhóm cổ phiếu ngoài ngân hàng!

Giao dịch khối ngoại cũng không khả quan khi sau tuần đầu năm quay đầu mua ròng, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trở lại với giá trị 609 tỉ đồng.

Các cổ phiếu ngân hàng đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trên TTCK thời gian gần đây. Ảnh minh họa: L.Vũ

Nhìn chung, “sóng” cổ phiếu ngân hàng đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trên TTCK thời gian gần đây. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, chỉ duy nhất cổ phiếu giảm nhẹ, còn lại đa phần cổ phiếu ngân hàng đều tăng trên 5%. Một số cổ phiếu như VCB, CTG, MBB, SHB…, thậm chí còn có mức tăng hai con số. Với quy mô vốn hóa lớn và lượng cổ phiếu trôi nổi tự do (freefloat) “khủng”, cổ phiếu ngân hàng vốn cần dòng tiền rất mạnh để bứt phá. Vì thế, mức tăng trên 5% trong thời gian ngắn đối với các cổ phiếu nhóm này là tương đối ấn tượng.

Có thể nói, đây là giai đoạn hiếm hoi cổ phiếu ngân hàng đồng loạt “nổi sóng” trong bối cảnh các nút thắt kìm hãm nhóm ngành này trong năm ngoái như tăng trưởng tín dụng thấp, áp lực nợ xấu cao… đang có dấu hiệu thay đổi theo hướng tích cực hơn. Thêm vào đó, định giá cổ phiếu ngân hàng cũng đang ở mức tương đối thấp với P/B (giá thị trường/giá ghi sổ của cổ phiếu) của hầu hết các cổ phiếu vốn hóa lớn trong nhóm đều dưới mức trung bình 5 năm.

Theo đánh giá của SSI Research, với bối cảnh kinh tế vĩ mô dự kiến cải thiện hơn trong năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi lên mức 14%. Dư địa tăng trưởng tín dụng có thể sẽ đến từ khối doanh nghiệp như: (i) ngành xây dựng cơ sở hạ tầng; (ii) doanh nghiệp sản xuất và FDI; và (iii) các ngành nghề được ưu tiên (như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghệ cao, SME và công nghiệp bổ trợ). Trong năm 2024, SSI Resarch cũng kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế. Theo đó, chi phí vốn dự kiến thấp hơn (giảm 113 điểm cơ bản so với cùng kỳ), CASA (tiền gửi không kỳ hạn) cải thiện và các khoản vay mới có thời hạn dài hơn sẽ giúp giảm bớt áp lực về NIM (biên lãi ròng) cho các tổ chức tín dụng. Dự báo NIM sẽ phục hồi 9 điểm cơ bản lên mức 3,75% cho các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu. Nhìn chung, sự chuyển biến về mặt cơ bản (dù chậm và chưa thật sự mạnh mẽ) đang là chất xúc tác cần thiết để các nhà đầu tư tái định giá lại nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Về các tin tức trên thế giới, các chỉ số chính của TTCK Mỹ đều ghi nhận kết quả tích cực trong tuần qua khi Dow Jones tăng 0,34%, S&P 500 tiến thêm 1,84% còn Nasdaq Composite đạt thành tích vượt trội khi có mức tăng lên tới 3,09%. Thông tin kinh tế đáng lưu ý nhất tuần qua là số liệu về lạm phát của Mỹ trong tháng 12-2023. Cụ thể, CPI tăng 0,3% so với tháng 11 và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Trước đó, các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát dự kiến mức tăng lần lượt chỉ là 0,2% và 3,2%. Nếu không tính giá thực phẩm và năng lượng (những nhóm hàng hóa thường có giá cả biến động) thì chỉ số CPI lõi tăng 0,3% so với tháng 11 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2022 (dự báo trước đó tương ứng lần lượt là 0,3% và 3,8%). Các số liệu về lạm phát nêu trên có thể sẽ phần nào khiến nhà đầu tư thay đổi kỳ vọng về lộ trình cắt giảm lãi suất trong tương lai của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), với thời gian cắt giảm nhiều khả năng sẽ diễn ra muộn hơn dự kiến.

Về xu hướng thị trường, dòng tiền vẫn chưa cho thấy sức mạnh khi tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng mà chưa lan tỏa sang các nhóm ngành khác trong suốt những phiên vừa qua. Điều này gợi mở khả năng VN-Index có thể sẽ cần thêm thời gian điều chỉnh để có thể thu hút thêm dòng tiền quay trở lại các nhóm ngành khác ở một nền định giá “dễ chịu” hơn.

Tình trạng thị trường xanh điểm nhưng giá trị danh mục của nhà đầu tư sụt giảm là hiện tượng khá phổ biến hiện nay. Trong bối cảnh đó, việc kiên trì nắm giữ hoặc tích lũy thêm các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt khi thị trường điều chỉnh sẽ là chiến lược giúp nhà đầu tư có thể hái “quả ngọt” trong trung và dài hạn.

Thanh Thủy