Chống thất thu ngân sách từ kiểm tra sau thông quan

Vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu tại cảng Cát Lái, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thời gian qua, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên giải quyết thủ tục hải quan cho khoảng 50 nghìn doanh nghiệp với số lượng trung bình 3,5 triệu tờ khai hải quan mỗi năm. Việc thực hiện kiểm tra hải quan trên cơ sở quản lý rủi ro, tỷ lệ phân luồng xanh (miễn kiểm tra), vàng (kiểm tra hồ sơ) và đỏ (kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa) lần lượt trung bình là 60% - 35% - 5%. Số liệu này cho thấy, hoạt động xuất, nhập khẩu thông quan qua địa bàn thành phố có rủi ro cao về vi phạm pháp luật hải quan, pháp luật về thuế.

Với quan điểm vừa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu, vừa bảo đảm kiểm soát, kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm pháp luật về hải quan, Cục Hải quan thành phố tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kiểm tra sau thông quan theo dấu hiệu vi phạm và dấu hiệu rủi ro của một số doanh nghiệp. Từ đầu năm 2022 đến nay, Chi cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Cục Hải quan thành phố đã ban hành 223 quyết định kiểm tra sau thông quan, chủ yếu kiểm tra các lĩnh vực về trị giá, pháp luật hàng hóa, mã số; gia công-sản xuất, xuất khẩu và chính sách thương mại.

Tính đến ngày 15/8, đã có 130 cuộc kiểm tra hoàn thành với kiến nghị ấn định thuế hơn 49 tỷ đồng, đạt hơn 70% chỉ tiêu năm 2022 giao cho Chi cục Kiểm tra sau thông quan, tăng 114% so với cùng kỳ năm 2021. Qua đó, phát hiện một số doanh nghiệp sai phạm, điển hình như: Công ty TNHH Hạt điều Intersnack có hành vi sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế không đúng mục đích, số tiền ấn định thuế hơn 10,7 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đồng Hữu có hành vi khai sai mã số hàng hóa, thuế suất, ấn định thuế hơn 3,88 tỷ đồng và Chi nhánh Công ty TNHH Unimac Sài Gòn (Nhà máy ở Long An) có hành vi khai sai đối tượng miễn thuế, số tiền ấn định thuế hơn 2,36 tỷ đồng…

Theo Cục Hải quan thành phố, các sai phạm phổ biến của doanh nghiệp bị phát hiện trong quá trình kiểm tra sau thông quan là gian lận khai báo trị giá hàng hóa. Trong trường hợp đã kiểm tra trị giá nhưng vẫn còn có nghi vấn hoặc có thông tin về nghi vấn gian lận khai báo sai trị giá, các Chi cục Hải quan sẽ chuyển thông tin cho Chi cục Kiểm tra sau thông quan tiến hành các biện pháp thu thập thông tin từ ngân hàng, cơ quan thuế, từ người tiêu dùng trong nước… về toàn bộ các lô hàng, tờ khai hải quan đã thông quan trong 5 năm. Nếu có cơ sở hoặc chứng cứ về sự không trung thực khi khai báo trị giá thì đề xuất kiểm tra sau thông quan.

Thông tin từ Cục Hải quan thành phố cho biết, trong sáu tháng đầu năm 2022, các Chi cục Hải quan đã kịp thời tham vấn hơn 12.600 tờ khai hải quan, lô hàng (trong thời gian 30 ngày kể từ khi thông quan); bác bỏ trị giá giao dịch hơn 4.400 tờ khai hải quan, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước hơn 137 tỷ đồng. Đồng thời, ban hành tổng cộng 375 quyết định kiểm tra sau thông quan (trong thời gian 60 ngày từ ngày thông quan)...

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan (Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Dũng cho biết, các chi cục hải quan có vai trò quan trọng trong nhiệm vụ hậu kiểm, kịp thời phát hiện những trường hợp khai báo không đúng trị giá giao dịch. Những trường hợp có nghi ngờ nhưng trong điều kiện hạn chế về thời gian, các chi cục hải quan chưa thể kết luận tính chính xác của trị giá hải quan thì chuyển cho Chi cục Kiểm tra sau thông quan tiến hành các biện pháp sâu, rộng để chứng minh hành vi vi phạm về khai báo trị giá.

Điển hình là vụ việc từ thông tin nghi vấn trị giá khai báo seal (khóa niêm phong) thép để niêm phong container nhập khẩu của Công ty TNHH Dịch vụ Zim Intergrated Shipping Việt Nam, Chi cục Kiểm tra sau thông quan đã thu thập thông tin, tài liệu và đấu tranh buộc công ty phải cung cấp bộ hồ sơ gốc nhập khẩu bốn tờ khai hải quan đã thông quan từ 2018 trở về trước. Qua đó, phát hiện trị giá thực của các lô hàng và chứng minh hành vi cố tình khai báo trị giá theo chứng từ không phải của người xuất khẩu. Kết quả đã ấn định thuế hơn 220 triệu đồng và lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi trốn thuế, đồng thời chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để xem xét có hay không có vi phạm hình sự tội trốn thuế.

Ông Nguyễn Dũng chia sẻ thêm, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 gây gián đoạn sản xuất, ngành hải quan luôn đồng hành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Việc kiểm tra sau thông quan giúp doanh nghiệp phát hiện những sai sót trong quy trình nghiệp vụ, tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tuân thủ tốt các quy định của pháp luật. Đồng thời, nghiêm khắc chấn chỉnh những vi phạm của các doanh nghiệp cố tình gian lận thương mại để giữ gìn kỷ cương và tránh thất thu ngân sách nhà nước…