Chứng khoán tuần: Vốn ngoại bất ngờ đảo chiều

Đây là diễn biến rất bất ngờ vì đa số nhà đầu tư nghĩ rằng hệ thống giao dịch mới sẽ tạo điều kiện cho thị trường tăng nhờ giải phóng sức mua. Tuy nhiên điều ngược lại đã xảy ra. Diễn biến này cũng đi liền những thay đổi khác thường trong cơ cấu dòng vốn trên thị trường tuần qua.

Đầu tiên là theo thống kê của FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã xả ra ròng lượng cổ phiếu trị giá hơn 2.100 tỷ đồng qua khớp lệnh trên sàn HoSE. Thứ hai là khối tự doanh các công ty chứng khoán được ghi nhận mua ròng trở lại, dù mức mua ròng rất hạn chế. Cụ thể, tổng giá trị mua ròng khoảng 184 tỷ đồng. Điểm tích cực là khối tự doanh đã bán ròng liền 4 tuần trước đó và tuần qua quay lại mua.

Điểm thứ ba là dòng vốn ngoại tiếp tục đảo chiều rõ nét hơn. Cổ phiếu sàn HoSE chứng kiến tuần mua ròng trị giá 2.811,9 tỷ đồng và là tuần mua ròng thứ hai liên tục. Tính chung từ đầu tháng 7 tới nay, khối ngoại mua ròng cổ phiếu (cả thỏa thuận) khoảng 4.436,9 tỷ đồng. Nếu tính gộp tất cả vị thế ròng của khối ngoại (cả chứng chỉ quỹ, CW, trái phiếu...) thì từ đầu tháng 7, giá trị mua ròng đạt 4.321,6 tỷ đồng.

Nếu nhìn lại quá trình bán ròng liên tục thì khối ngoại đã có tới 12 tháng bán ròng. Chỉ riêng cổ phiếu sàn HoSE trong 6 tháng đầu năm đã bị bán ròng 29.875,8 tỷ đồng. Trong khi đó các chứng chỉ quỹ ETF nội chỉ được mua ròng 5.558,8 tỷ đồng. Như vậy dù khối ngoại có bán bớt cổ phiếu để dịch chuyển vốn sang mua chứng chỉ quỹ mở trong nước (chuyển hình thức từ đầu tư chủ động sang bị động) thì mức rút ròng cũng rất lớn. Mặc dù chưa có bằng chứng cụ thể nào là lượng tiền bán ròng này bị rút hẳn khỏi thị trường chứng khoán, nhưng áp lực bán ròng cũng ảnh hưởng nhất định đến cung cầu thị trường.

Do vậy, việc khối ngoại đảo chiều mua ròng trở lại từ đầu tháng 7 tới nay có thể xem là một tín hiệu tích cực, dù chưa có gì chắc chắn. Trong 7 phiên đầu tiên của tháng 7, cơ cấu mua của khối này cũng đáng chú ý khi chỉ có 3 phiên mua ròng cổ phiếu HoSE, với 2 phiên mua ròng đáng kể nhất là ngày 2/7 với 1.910,9 tỷ đồng, ngày 7/7 với 2.106 tỷ đồng và phiên cuối tuần qua với 879,2 tỷ đồng.

Thống kê tuần qua giao dịch mua đã trải đều hơn, không còn phụ thuộc vào NVL. Thực tế cổ phiếu này còn bị bán ròng hơn 770 tỷ đồng. Các mã được mua ròng tốt là MBB, VHM, HPG, STB, MSN, GEX, VCB, VNM, GAS, HDB. Các giao dịch dịch mua này được cho là đến từ việc quỹ ETF ngoại huy động được thêm vốn. Đây cũng là tín hiệu tốt, vì dòng vốn ETF đang trì trệ khi dịch bệnh tiếp tục hút vốn ngược về các thị trường phát triển.

Tuy nhiên tín hiệu tốt từ dòng vốn ngoại có giúp thị trường mạnh mẽ hơn hay không lại là câu chuyện dài. Tỷ trọng giao dịch của dòng vốn này đang ngày càng thấp đi trong tổng giao dịch thị trường. Lý do là dòng vốn của nhà đầu tư trong nước tăng cao.

Trung bình tuần qua giá trị giải ngân tuyệt đối của khối ngoại với cổ phiếu sàn HoSE qua khớp lệnh cũng chỉ là 7,2% so với tổng mức khớp sàn này. Vì vậy trông đợi vào lực cầu này đẩy giá lên sẽ là một điểm tựa khá viển vông.

Nếu như trước kia khối ngoại bán ròng cực lớn cũng không khiến thị trường giảm được, thì lúc này mua ròng nhỏ như vậy cũng khó thay đổi được tình thế, nếu dòng vốn trong nước tiếp tục bán nhiều hơn mua.

Thị trường tuần qua sụt giảm mạnh đối với cổ phiếu. Thống kê hẹp với rổ VN100, có tới 48% cổ phiếu bốc hơi tối thiểu 5% giá trị. Nếu tính từ ngưỡng giảm 2% trở lên, có tới 75% cổ phiếu. Chỉ có 17 mã tăng giá trong tuần, top 5 là MWG (+16,89%), BMI (+8,86%), PNJ (+6,57%), FRT (+6,2%), HDG (+6,02%).

Biến động mạnh nói trên có thể là hiệu ứng từ chiến lược “tin ra là bán” khi kỳ vọng được thỏa mãn. Hệ thống giao dịch chính thức vận hành tạo điều kiện cho lệnh vào quy mô lớn một cách thông suốt. Nhà đầu tư chốt lời khi giá cổ phiếu đã tăng cao và bán rẻ cũng có lãi. Biên độ dao động cũng gia tăng nhờ hiệu ứng của hệ thống có công suất lớn.

Dù chiến lược này là đúng hay sai thì cũng phản ánh một thực tế là: Nhà đầu tư đã có quan điểm phân hóa về triển vọng thị trường. Nếu như ai cũng kỳ vong hệ thống mới giúp thị trường tăng, kết quả kinh doanh giúp cổ phiếu tăng, thì tại sao lại có hàng chục ngàn tỷ đồng chấp nhận rút về? Giá trị giao dịch hai sàn từ T0 đến T2 đang là 82.241 tỷ đồng.

Nguyên nhân khiến quan điểm về triển vọng thị trường thay đổi đến từ một lý do rất thị trường: Mọi thứ tốt nhất đã xảy ra, tức là không còn gì nữa! Thực tế đúng như vậy: Kết quả kinh doanh sẽ kết thúc trong vài tuần tới và đa số cũng đã biết trước con số; hệ thống giao dịch mới đã vận hành và thanh khoản không bùng nổ một cách rõ ràng. Khi hết những gì tốt nhất, nhà đầu tư sẽ nghĩ về những gì rủi ro.

Đó có thể là dịch bệnh đang bùng phát nguy hiểm; kết quả kinh doanh quý 3 có thể xấu đi và tăng trưởng chậm lại; Thị trường tăng quá dài dễ rơi vào nhịp điều chỉnh trung hạn tính bằng nhiều tháng trước khi quay lại sóng tăng mới.

Nói tóm lại, có vô vàn lý do khiến nhà đầu tư thay đổi suy nghĩ, nhưng cơ bản nhất là khả năng chấp nhận rủi ro không còn cao như trước.

Trọng Nghĩa