Chuyên gia Harvard tiết lộ 3 cách dạy con về tiền

Trẻ em từ 6 tuổi đã có thể nắm bắt các khái niệm về tiền. Ảnh: Pexels.

Nhiều người cho rằng nói chuyện về tiền bạc với trẻ em là không cần thiết, thậm chí khó khăn.

Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định trẻ em từ 6 tuổi đã có thể nắm bắt các khái niệm về tiền và việc hình thành thói quen quản lý tiền bạc sẽ bắt đầu từ năm 7 tuổi.

Học cách quản lý tiền và lên kế hoạch tài chính cho tương lai giúp trẻ đảm bảo sự an toàn về tài chính và hạnh phúc tổng thể sau này.

"Đó là lý do cha mẹ cần dạy con về tài chính từ sớm", Alexa von Tobel, nhà sáng lập và đối tác quản lý quỹ đầu tư Inspired Capital, người từng học tại Đại học Harvard, nhấn mạnh.

Von Tobel, người sáng lập công ty tư vấn tài chính trực tuyến LearnVest vào năm 2008 và sau đó bán lại cho Northwestern Mutual với giá 375 triệu USD, gần đây đã hợp tác với thương hiệu truyền thông dành cho trẻ em Rebel Girls để viết Growing Up Powerful: Money Matters.

Cuốn sách này bao gồm các bài học tài chính cá nhân dành cho trẻ em và hướng dẫn cho phụ huynh về cách nói chuyện tiền bạc với con, dự kiến ra mắt vào tháng 3.

Growing Up Powerful: Money Matters nhắm đến đối tượng chính là các bé gái (nghiên cứu cho thấy phụ nữ thường ít tự tin về kiến thức tài chính hơn nam giới), nhưng von Tobel nhấn mạnh "cuốn sách thực sự dành cho tất cả trẻ em".

Theo một khảo sát năm 2023 của Hội đồng Giáo dục Tài chính Quốc gia (Mỹ), việc thiếu kiến thức tài chính cơ bản có thể khiến trẻ em thiệt hại hàng trăm đến hàng nghìn USD khi trưởng thành.

"Chúng ta có thể trao quyền cho thế hệ tiếp theo nếu chúng hiểu và kiểm soát được tiền bạc", bà nói với CNBC Make It, đồng thời đưa ra 3 lời khuyên cho cha mẹ về cách dạy con kiến thức tài chính.

Đừng thần thánh hóa tiền bạc

Chuyên gia Alexa von Tobel nhấn mạnh cha mẹ cần nói chuyện về tiền với con một cách thực tế để trẻ phát triển mối quan hệ lành mạnh với tiền bạc. Bạn hãy dạy con hiểu rằng tiền là chủ đề đáng bàn luận, nhưng không phải là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc sống.

"Tiền đơn giản là công cụ giúp bạn sống cuộc sống mình mơ ước. Chăm chỉ làm việc sẽ giúp bạn kiếm được tiền. Quản lý thông minh, bạn sẽ luôn đủ tiền để mua thứ cần và thậm chí là cả thứ mình muốn. Thẻ tín dụng không phải vật thần kỳ mua được mọi thứ", von Tobel nhấn mạnh tiền không phải để tôn thờ, nhưng không có nghĩa là bị bỏ qua.

Von Tobel khuyên cha mẹ hãy trò chuyện về tiền với con theo cách chúng dễ hiểu. Ảnh: Pexels.

Dạy từ bài học thực tế

Von Tobel khuyên cha mẹ hãy trò chuyện về tiền với con theo cách chúng dễ hiểu. Bạn có thể so sánh giá cả đồ dùng hàng ngày. Ví dụ, một chai nước có giá vài chục nghìn trong sở thú nhưng chỉ vài nghìn đồng ngoài tạp hóa.

"Khi bạn đi siêu thị và con muốn mua thứ gì đó, hãy cầm nó lên và cho con thấy giá để cân nhắc. Cách tiếp cận này giúp trẻ hiểu giá cả có sự khác biệt và không phải thứ gì trẻ cần hay muốn đều dễ dàng có được, đặc biệt nếu nó đắt. Vì vậy, trẻ cần chú ý đến giá cả và chi tiêu hợp lý", von Tobel nói.

Dạy về tiền một cách tích cực

Lập ngân sách có thể là một chủ đề khá khô khan. Không trẻ nào muốn dành tiền cho tương lai khi có thể mua bánh kẹo và đồ chơi ngay bây giờ.

Để trẻ hào hứng với việc tiết kiệm và lập ngân sách, bà von Tobel khuyên phụ huynh hãy nói về việc này theo cách tích cực và trao quyền. Trong cuốn sách của mình, bà gợi ý cha mẹ có thể hỏi trẻ muốn dùng tiền vào việc gì, sau đó thảo luận về cách chúng có thể kiếm tiền và tiết kiệm để tự mua những thứ đó.

Ngoài ra, phụ huynh có thể dùng những cách như đố vui, trò chơi, bài tập liên quan đến tiền như trang trí heo đất theo kích thước (nhỏ, vừa, lớn), giúp con tiết kiệm cho các mục tiêu ngắn, trung và dài hạn.

"Người lớn thường gắn tiền với căng thẳng vì chỉ nghĩ về những thứ mình không có. Nhưng nếu hướng dẫn trẻ trải nghiệm tích cực, trao quyền xoay quanh tiền bạc từ sớm, cuộc sống của chúng có thể thay đổi", von Tobel nói.

Ngọc Bích