Công nghệ giữ vải tươi cả tháng của nhà khoa học Việt

Sau khi có thông tin về một doanh nghiệp tại Hà Lan đã chấp nhận bỏ ra gần 1 tỷ đồng để thử nghiệm công nghệ đưa vải thiều tươi Lục Ngạn sang châu Âu bằng container đường biển trong 45 ngày mà vẫn giữ được độ tươi, ngon tự nhiên, các nhà khoa học Việt Nam cho biết, Việt Nam cũng từng ứng dụng nhiều công nghệ bảo quản hiệu quả với chi phí rất rẻ.

Công nghệ nano chi phí thấp, hiệu quả cao.

Ông Hoàng Đức - chuyên gia cao cấp nghiên cứu các loại vật liệu bảo quản nông sản sau thu hoạch cho biết, nhóm của ông cùng với các nhà khoa học Nhật Bản có nghiên cứu, chế tạo một loại vật liệu có thể giúp bảo quản hoa quả tươi lâu mà không ảnh hưởng tới chất lượng tự nhiên. Đó là sử dụng vật liệu nano kết hợp với các hệ thống kiểm soát kỹ thuật bằng công nghệ Nhật Bản - còn gọi là công nghệ nano.

Theo ông Đức phân tích, có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nông sản sau thu hoạch như: quá trình vận chuyển nông sản bị trầy xước tạo vết thương hở, vết thương cơ giới qua đó nấm mốc, vi khuẩn có thể xâm nhiễm làm thối hỏng quả. Từ một vài quả bị nhiễm khuẩn có thể lây nhiễm sang các quả khác làm cho số lượng quả hư hỏng tăng lên đáng kể.

Bên cạnh đó, hoa quả sau thu hoạch vẫn còn tồn dư các bào tử nấm khuẩn ở dạng tiềm sinh. Nếu không xử lý những loại nấm khuẩn này sẽ khiến chúng phát triển và làm hoa quả bị hư, hỏng, thối nhanh hơn.

Ngoài ra một vấn đề nữa cần quan tâm đó là quá trình hô hấp của hoa quả hay quá trình chín cũng làm giảm chất lượng quả đáng kể. Trong quá trình hô hấp của quả nói chung vẫn sinh ra nhiệt và hơi nước qua đó làm giảm lượng chất dinh dưỡng, chất hữu cơ trong quả đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho nấm bệnh phát triển.

Do đó, muốn quả tươi lâu mà vẫn giữ được hương vị tự nhiên thì cần phải diệt nấm khuẩn mạnh, tạo lớp màng bảo vệ bề mặt hoa quả, giúp ngăn cản sự hấp thu khí Oxy qua đó hạn chế phần nào quá trình hô hấp, giúp quá trình bảo quản hoa quả được bảo đảm.

Với việc sử dụng công nghệ nano sẽ giúp ngăn chặn và tiêu diệt nấm mốc, vi khuẩn xâm nhiễm, tạo mã quả bóng đẹp, kéo dài thời gian bảo quản, lưu thông trong quá trình vận chuyển và đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, ông Đức cũng nhấn mạnh, việc áp dụng công nghệ nano trong bảo quản hoa quả phải được thực hiện theo quy trình khoa học, từ khâu trước khi thu hái cho tới khâu sơ chế và bảo quản.

Theo đó, việc bảo quản được chia làm hai giai đoạn:

Giai đoạn 1: Trước khi thu hoạch khoảng từ 3 đến 7 ngày. Dùng 50ml chế phẩm nano bạc đồng hợp kim kết hợp 30ml PVP pha với 20 lít nước sau đó phun đều bao phủ lên quả (phun dạng sương mù, hạt sương nhỏ), phun trong điều kiện thời tiết không có mưa, ít sương.

Giai đoạn 2: Sau khi kết thúc quá trình thu hoạch, nông sản cần được sơ chế và phân loại sau đó dùng 500-600ml chế phẩm nano bạc hợp kim (loại chuyên dùng tạo màng phủ nano) pha với 100-250 lít nước (tùy đối tượng cần được bảo quản) cho vào bể chứa hoặc phuy chứa dung dịch. Hoa quả, rau quả sau khi được phân loại rửa sạch rồi cho vào ngâm với dung dịch nano pha theo tỷ lệ trên. Ngâm xử lý trong thời gian 3-5 phút (tối thiểu 1 phút) sau đó vớt ra để ráo nước (khô) rồi đem đóng gói bảo quản lạnh (8-13oC – tùy đặc tính từng loại quả).

"Các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay hầu hết đều có kho bảo quản lạnh, việc ứng dụng sử dụng vật liệu bảo quản theo công nghệ nano chỉ là thêm bước sử dụng nguyên liệu, rất đơn giản, không hề tốn kém.

Hơn nữa, chi phí nguyên liệu bảo quản cũng rất rẻ, hoàn toàn có thể cạnh tranh được với công nghệ bảo quản nhập ngoại hay của doanh nghiệp Hà Lan đang sử dụng", ông Hoàng Đức cho biết.

Cũng theo ông Đức, công nghệ bảo quản bằng nano đã được thử nghiệm trực tiếp trên quả vải thiều từ nhiều năm trước, kết quả cho thấy công nghệ trên có thể giữ được quả vải tươi trong khoảng từ 45 - 60 ngày. Hiện trạng vải sau thử nghiệm cả vỏ và bên trong vẫn tươi nguyên.

Tuy nhiên, sau đó có nhiều lý do doanh nghiệp đã chuyển hướng kinh doanh, công nghệ không được ứng dụng trong thực tế.

Ông Đức cũng nói thêm, mặc dù đã theo đuổi, nghiên cứu từ nhiều năm, kết quả ứng dụng thí nghiệm cũng rất tốt nhưng việc ứng dụng vào thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn do khó kết nối với các doanh nghiệp. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp Việt còn tâm lý bám trụ vào thị trường Trung Quốc, vì thế, vẫn lựa chọn công nghệ bảo quản cũng đơn giản, rẻ hơn.

Ông Đức cho rằng, nếu ứng dụng công nghệ bảo quản nano không chỉ giúp giữ tươi lâu quả vải mà còn có thể giúp bảo quản rất nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như cam, bơ, xoài...

Để không lo bị ép giá

Ông Lê Hữu Thi - Viện trưởng Viện Công nghệ và Sức khỏe cho biết, Việt Nam có tiềm năng và đang nằm trong top đầu của một số ngành hàng xuất khẩu nông sản có giá trị, song công nghệ trong và sau thu hoạch vẫn còn những điểm yếu khiến tổn thất của các mặt hàng nông sản ở mức cao.

Đáng nói, việc cung ứng thực phẩm tươi tại Việt Nam chủ yếu vẫn từ đồng ruộng đi thẳng đến các chợ truyền thống, siêu thị mà không có bất cứ hình thức bảo quản nào trước khi đến tay người tiêu dùng.

Tại các kênh thương mại truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hóa... cũng không có hệ thống bảo quản khiến hoa qua nhanh hỏng, giá thành thấp, chi phí cao vừa lãng phí, tốn kém, vừa thiệt thòi cho người nông dân.

Với thị trường xuất khẩu, rau quả Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, việc bảo quản, đóng gói cũng đơn giản, dễ tính, hoặc sử dụng công nghệ bảo quản rẻ tiền của Trung Quốc, khiến nhiều doanh nghiệp vẫn ham.

Tuy nhiên, đây cũng là điểm yếu, khiến nhiều mặt hàng rau quả trong nước bị phụ thuộc vào thị trường nước này, chính vì thế, mỗi khi gặp sự cố hoa quả lại bị ùn ứ, tắc nghẹn, hư hỏng, bỏ đi, gây thiệt hại rất lớn. Quan trọng hơn là công nghệ bảo quản của Trung Quốc hiện chủ yếu sử dụng các hoạt chất hóa học phun trực tiếp vào hoa quả, rất khó kiểm soát về chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm, làm ảnh hưởng lớn tới uy tín, thương hiệu cũng như chất lượng nông sản trong nước.

Ông Thi cho rằng, tiềm năng nông sản của Việt Nam rất lớn, nếu có được công nghệ bảo quản sau thu hoạch tốt không chỉ giúp bảo quản được chất lượng nông sản, mà còn hướng ngành nông nghiệp phát triển theo cách bài bản hơn, tương lai hơn.

"Muốn không bị phụ thuộc, ép giá thì phải hướng tới các thị trường chất lượng cao mới mang lại giá trị gia tăng cao.

Để thâm nhập vào các thị trường khó tính phải đòi hỏi đáp ứng được các yêu cầu rất chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng về một sản phẩm lành mạnh, đặc biệt là sản phẩm sạch, bền vững và không có thuốc trừ sâu. Như vậy, doanh nghiệp cũng phải hướng tới sử dụng một công nghệ cao, an toàn, bảo đảm giữ được chất lượng sản phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu hoạch cho tới khi vận chuyển đến tay người tiêu dùng", ông Thi nhìn nhận.

Lam Lam