COVID-19 tại ASEAN hết 11/11: Cả khối có trên 30.000 ca mắc mới; Lào lên kế hoạch mở cửa trở lại

Sau vài tuần hạ nhiệt, tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á đang có xu thế ổn định trong thời gian gần đây. Số ca tử vong nhìn chung đang giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối. Dịch bệnh có xu thế xuất hiện đều tại các nước, thay vì tập trung tại một vài điểm nóng như mấy tháng trước đây.

Trong ngày 11/11, có 6 quốc gia ASEAN ghi nhận trên 1.000 ca mắc mới. Về số ca tử vong, các quốc gia ASEAN đều ghi nhận ca tử vong mới: Philippines (142 ca), Việt Nam (84 ca), Malaysia (59 ca), Thái Lan (57 ca), Singapore (17 ca), Indonesia (16 ca), Myanmar (14 ca), Campuchia (5 ca), Lào (2 ca) và Brunei (2 ca).

Thái Lan tiếp tục có số ca mắc mới cao so với đa số quốc gia ASEAN. Ngày 11/11, nước này có 7.496 ca mắc mới, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 1.996.969 ca. Trong số đó, có 19.883 ca tử vong từ đầu đại dịch.

Tiêm vaccine COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 1/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trước đó, Thái Lan thông báo sẽ dành khoảng 500.000 liều vaccine phòng COVID-19 để đón các lao động nước ngoài trở lại nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm lao động.

Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch cho phép người lao động từ các nước láng giềng như Myanmar, Campuchia và Lào trở lại quốc gia này từ tháng 12 tới. Hiện một số ngành xuất khẩu chủ yếu của Thái Lan như ngành chế biến thực phẩm và sản xuất cao su đang thiếu lao động.

Theo Bộ trưởng Lao động Thái Lan Suchart Chomklin, người lao động khi trở lại quốc gia Đông Nam Á này sẽ được yêu cầu cách ly 2 tuần và được tiêm vaccine trong thời gian này. Người lao động cũng sẽ được xét nghiệm COVID-19 khi đến Thái Lan. Bộ trưởng Suchart Chomklin xác nhận Thái Lan đã chuẩn bị sẵn từ 400.000-500.000 liều vaccine để tiêm cho các lao động nhập cư. Bộ trên ước tính trước mắt nước này sẽ cần khoảng 420.000 lao động nhập cư.

Tại Malaysia, nước này ghi nhận 6.243 ca mắc mới. Tới nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.522.498 ca mắc COVID-19. Trong số đó, có 29.486 ca tử vong.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 31/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi số ca mắc giảm dần, Malaysia sẽ mở cửa biên giới để đón du khách nước ngoài muộn nhất là vào ngày 1/1/2022. Đây là thông tin mới được Hội đồng Cố vấn chương trình hồi phục kinh tế cho Chính phủ Malaysia đưa ra ngày 11/11.

Trong nỗ lực nhằm khôi phục kinh tế sau thời gian gián đoạn vì các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19, quốc gia Đông Nam Á đã từng bước mở cửa trong vài tuần gần đây. Thời gian qua, tỷ lệ mắc mới tại Malaysia giảm dần trong khi chương trình tiêm chủng toàn quốc được tăng tốc với hơn 75% trong tổng số 32 triệu dân nước này đã được tiêm phòng.

Phát biểu với phóng viên trên cương vị Chủ tịch hội đồng chuyên trách chương trình phục hồi kinh tế quốc gia, cựu Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho rằng ngành du lịch nước này đang phục hồi quá chậm vì thiếu vắng du khách quốc tế. Ông cũng lưu ý các doanh nghiệp và các công ty lữ hành cần thời gian để thích ứng khi nối lại các hoạt động kinh doanh sau thời gian gián đoạn vì đại dịch. Theo ông Muhyiddin, khi mở cửa đón du khách quốc tế, giới chức Malaysia sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh như xét nghiệm COVID-19 và xác định những nhóm được phép nhập cảnh dựa trên tình hình dịch bệnh tại quốc gia xuất phát và các yếu tố khác. Tuy nhiên, ông không nêu rõ thời điểm Malaysia công bố kế hoạch mở cửa với du khách nước ngoài. Hiện các cơ quan y tế và an ninh trong nước vẫn đang phối hợp để xây dựng kế hoạch cụ thể trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Trong tuần này, Malaysia tuyên bố mở hành lang du lịch chung với Singapore từ ngày 29/11. Theo đó, những du khách đã tiêm phòng đầy đủ có thể đi lại giữa hai nước mà không phải thực hiện quy định cách ly. Malaysia cũng đã đạt thỏa thuận dần mở hành lang đi lại tương tự với Indonesia.

Hiện Malaysia đã tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng bệnh cho khoảng 78,3% dân số và khoảng 75,6% dân số đã được tiêm phòng đầy đủ.

Tại Singapore, quốc gia này ghi nhận 3.481 ca mắc mới trong ngày 10/11, nâng tổng số ca mắc từ đầu dịch lên 227.681, trong đó có 540 ca tử vong. Từ ngày 8/12 tới, tất cả những người Singapore đã lựa chọn không tiêm vaccine COVID-19 dù đủ điều kiện sức khỏe nếu bị nhiễm SARS-CoV-2 và nhập viện sẽ phải tự thanh toán toàn bộ chi phí điều trị.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Singapore ngày 13/10. Ảnh: THX/TTXVN

Hiện chính phủ nước này đang hỗ trợ thanh toán hóa đơn điều trị COVID-19 cho tất cả người dân, thường trú nhân (PR), những người có thẻ thường trú dài hạn và những người Singapore có kết quả xét nghiệm dương tính ngay sau khi ở nước ngoài trở về.

Bộ Y tế Singapore cho biết hiện những người không được tiêm chủng chiếm phần lớn trong số các ca mắc COVID-19 chuyển nặng cần phải điều trị tích cực (ICU), làm gia tăng sức ép cho hệ thống y tế. Vì thế, bộ này sẽ áp dụng quy tắc mới đối với những người kiên quyết nói “không” với vaccine ngừa COVID-19. Những người không đủ điều kiện tiêm chủng, bao gồm cả trẻ em dưới 12 tuổi hoặc bệnh nhân không đủ điều kiện sức khỏe để tiêm chủng ngừa COVID-19 vẫn sẽ được chính phủ thanh toán đầy đủ hóa đơn điều trị nếu mắc COVID-19.

Tới nay, đã có 85% trong tổng số 5,45 triệu dân Singapore được tiêm chủng 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 và 18% dân số đã tiêm mũi bổ sung.

Tại Philippines, nước này ghi nhận 1.974 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 2.811.248 ca, trong đó có 44.866 ca tử vong.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 5/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tiếp đó, Myanmar có 1.180 ca mắc mới, Indonesia có 435 ca mắc mới, Brunei có 96 ca mắc mới và Campuchia có 66 ca mắc mới.

Tại Lào, Liên quan tình hình dịch COVID-19, trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 945 ca mắc mới, trong đó có 942 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 2 trường hợp tử vong. Như vậy, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này đã giảm xuống mức 3 chữ số, ít hơn 195 trường hợp so với ngày trước đó.

Tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 50.977 ca mắc COVID-19, trong đó có 93 ca tử vong. Sau thời gian dài phong tỏa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Chính phủ Lào đã yêu cầu các bộ, ngành xây dựng cụ thể kế hoạch để mở cửa lại đất nước.

Phun khử trùng nhằm ngăn dịch COVID-19 tại thủ đô Viêng Chăn, Lào ngày 30/9. Ảnh: THX/TTXVN

Theo đó, Chính phủ Lào giao Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào làm việc với Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào, Ủy ban chuyên trách phòng chống COVID-19 quốc gia và các cơ quan chức năng liên quan xây dựng cơ chế cho việc mở cửa trở lại đất nước đối với khách du lịch. Trước đó, phát biểu tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa IX của Lào đang diễn ra, Thủ tướng Lào Phankham Viphavan nêu rõ cần mở cửa lại đất nước để phục hồi kinh tế và hoạt động của khu vực tư nhân - vốn bị ảnh hưởng tiêu cực kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm ngoái.

Thủ tướng Phankham Viphavan cũng cho biết Lào sẽ “mở cửa từng bước, ở những địa phương sẵn sàng chứ không mở cửa toàn bộ”, đặc biệt là những điểm du lịch quan trọng với điều kiện đảm bảo công tác phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh như Luang Prabang. Để sớm đưa đất nước thích nghi với trạng thái bình thường mới trong điều kiện đại dịch, Chính phủ Lào đã có Chỉ thị về việc tăng cường công tác tiêm vaccine ngừa COVID-19. Theo đó, các địa phương được yêu cầu lập danh sách người trưởng thành (trên 18 tuổi) đã tiêm hoặc chưa tiêm vaccine để thúc đẩy chương trình tiêm chủng toàn diện cho nhóm này; đồng thời tiến hành thu thập thông tin nhóm từ 12-18 tuổi để bắt đầu triển khai tiêm chủng ngay trong tháng 11 nhằm sớm tạo điều kiện cho việc mở lại trường học trong thời gian tới.

Đến nay, Lào đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 50% dân số trưởng thành và đang hướng đến mục tiêu 70% trong năm nay.

Thùy Dương/Báo Tin tức