Cục trưởng Đăng kiểm nhận hối lộ: Có hệ thống, quy mô lớn…kết cục thế nào?

Công an TPHCM vừa khởi tố, bắt giam Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà tội nhận hối lộ. 3 cán bộ Phòng Kiểm định xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm trước đó đã bị khởi tố, bắt giam về tội danh trên.

Mới đây, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã bổ sung vụ án “Đưa hối lộ; nhận hối lộ; môi giới hối lộ; giả mạo trong công tác” xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà bị bắt giam.

Căn cứ khởi tố bị can đối với ông Đặng Việt Hà

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, kết quả điều tra cho thấy, sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm có hệ thống, tổ chức, liên quan đến nhiều cơ quan tổ chức. Việc làm rõ hành vi, xác định hậu quả, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân là cần thiết.

Tuy nhiên, khi giải quyết vụ án cần phân loại, phân hóa để xác định trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức có liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.

Theo kết quả điều tra, để thành lập trung tâm đăng kiểm, các đơn vị đã chung chi hàng trăm triệu đồng cho các phòng ban, Cục trưởng Cục đăng kiểm để cấp giấy phép. Ngoài ra, hàng tháng, hàng quý, các trung tâm đăng kiểm đều chi tiền cho cán bộ phòng đăng kiểm, các lãnh đạo phòng, ban và ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục đăng kiểm. Đây là căn cứ cơ quan điều tra tiến hành khởi tố bị can đối với ông Đặng Việt Hà cùng một số cá nhân tại Cục Đăng kiểm.

Theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự, người nào có chức vụ quyền hạn mà nhận tiền của tổ chức, cá nhân khác nhằm thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền sẽ bị xử lý hình sự. Nếu nhận từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật, bị kết án chưa xóa án tích mà còn vi phạm, hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Trong vụ án trên, nhiều trường hợp cán bộ trung tâm đăng kiểm nhận tiền của nhiều chủ xe nhưng mỗi lần đều nhận số tiền dưới 2.000.000 đồng. Theo quy định chung, một lần nhận hối lộ dưới 2.000.000 đồng mà chưa bị kỷ luật, chưa bị kết án, hành vi này chỉ vi phạm hành chính. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hành vi nhận tiền diễn ra liên tục, của nhiều người có tính chất chuyên nghiệp, coi như nguồn sống chính, có thể áp dụng tương tự quy định tại Thông tư liên tịch số: 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP để xử lý.

Đối với người có chức vụ quyền hạn mà thực hiện hành vi cấp giấy tờ giả, giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu hoặc tẩy sửa giấy tờ của cơ quan chức năng sẽ bị xử lý hình sự về tội giả mạo trong công tác theo quy định tại điều 359 Bộ luật Hình sự.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ người nào đã thực hiện hành vi cấp giấy chứng nhận đăng kiểm xe cơ giới không đúng quy định, giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu hoặc tẩy sửa giấy tờ tài liệu của cơ quan chức năng để xử lý về tội giả mạo trong công tác.

Trong vụ án này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi nhận tiền của Cục trưởng Cục Đăng kiểm là nhận của ai, nhận khi nào và nhận để làm gì. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy vị lãnh đạo này đã nhận tiền để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền mới có thể xử lý hình sự về tội nhận hối lộ.

Công tác quản lý lỏng lẻo, có dấu hiệu vụ lợi dẫn đến có nhiều sai phạm

Theo luật sư Cường, hoạt động xã hội hóa đăng kiểm xe cơ giới khiến các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tư nhân phát triển rộng khắp, đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, công tác quản lý lỏng lẻo, có dấu hiệu vụ lợi dẫn đến có nhiều sai phạm, vi phạm ở các trung tâm đăng kiểm.

Hoạt động đăng kiểm trong những năm qua có nhiều sai phạm dẫn đến hiện tượng xe hoán cải, không đủ điều kiện an toàn vẫn được đăng kiểm, vẫn tham gia giao thông gây nguy cơ tai nạn. Việc xử lý các sai phạm đối với các tổ chức cá nhân trong lĩnh vực đăng kiểm là cần thiết.

Tuy nhiên việc xử lý tổ chức nào, cá nhân nào phải căn cứ vào các chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được trên cơ sở các quy định của pháp luật.

Đồng thời việc xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm sẽ tác động ảnh hưởng phần nào đến hoạt động đăng kiểm trong nước.

Bởi vậy, đồng thời với việc mở rộng điều tra, phát hiện, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm cần chấn chỉnh hoạt động của các trung tâm đăng kiểm, kiểm tra giám sát hoạt động của các trung tâm này sao cho hoạt động đăng kiểm được thực hiện liên tục, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Những trung tâm đăng kiểm tự ý đóng cửa, gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức cá nhân thực hiện hoạt động đi đăng kiểm cần phải phát hiện và xử lý ngay. Cần phải kiểm tra, ra soát các văn bản quy phạm pháp luật về trình tự thủ tục đăng kiểm, điều kiện đăng kiểm để kịp thời loại bỏ những quy định lạc hậu, tránh những phiền hà, rắc rối cho người quản lý, sở hữu phương tiện giao thông.

Có quản lý tốt công tác đăng kiểm, sửa đổi các quy định pháp luật về điều kiện, thủ tục, thẩm quyền đăng kiểm, kịp thời phát hiện ra những sai phạm để chấn chỉnh, hoạt động đăng kiểm mới đảm bảo hiệu quả, góp phần tăng cường quản lý phương tiện giao thông, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, đảm bảo công bằng xã hội.

Mời độc giả xem thêm video 20 năm tù cho Chánh Thanh tra Quân đội nhận hối lộ

Nguồn: THĐT

Hải Ninh