Đà Nẵng: Chuyển dịch cơ cấu tàu thuyền, nghề khai thác theo hướng bền vững

Theo Sở NN&PTNT Đà Nẵng, hiện nay, tổng số tàu thuyền đánh cá trên địa bàn thành phố là 1.227 chiếc. Trong đó, có 325 tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 m (vùng ven bờ); 317 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 m đến dưới 15 m (vùng lộng); 585 tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên (vùng khơi), chiếm 48% tổng số tàu thuyền.

Nghề khai thác hải sản của thành phố tập trung chủ yếu vào 5 họ nghề chính là nghề câu chiếm 26%, nghề lưới kéo chiếm 2%; nghề lưới rê chiếm 43%; nghề vây chiếm 9%; nghề khác (lồng bẫy, xe túc, mành chụp…) chiếm 29%.

Hàng năm đội tàu của thành phố cung cấp từ 36 - 38 nghìn tấn hải sản các loại phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Hiện tại, cơ cấu tàu thuyền và nghề khai thác tại thành phố đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng giảm mạnh các nghề khác thác cấm, hủy diệt nguồn lợi thủy sản như lưới kéo đôi, lưới kéo đơn, tăng các nghề khai thác vùng khơi có hiệu quả kinh tế và không gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.

Thành phố đã lập 115 tổ khai thác hải sản với 816 tàu tổ viên, trong đó vùng khơi 80 tổ với 551 tàu (hoạt động đánh bắt chủ yếu ở ngư trường Hoàng Sa), vùng lộng, bờ 35 tổ với 265 tàu.

Tổng số lao động khai thác thủy sản trên địa bàn thành phố khoảng 6.820 lao động, trong đó lao động ngoại tỉnh chiếm khoảng 48%.

Hàng năm đội tàu của thành phố cung cấp từ 36 - 38 nghìn tấn hải sản các loại phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Năm 2021 tổng sản lượng khai thác thủy sản ước khoảng 31.786 tấn, đạt 84% chỉ tiêu năm 2021 (37.600 tấn), giảm 2.562 tấn so với cùng kỳ năm 2020.

Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến sức tiêu thụ sản phẩm khai thác chậm, giá thu mua giảm mạnh và khó khăn trong việc tìm kiếm thuyền viên đi biển dẫn đến nhiều tàu cá tạm dừng hoạt động sản xuất.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, do ảnh hưởng tình hình thời tiết trên biển diễn biến phức tạp, giá các loại chi phí cho chuyến biển như giá dầu, vật tư, lương thực tăng cao và khó khăn trong tìm kiếm lao động đi biển đã ảnh hưởng đến việc tổ chức hoạt động khai thác thủy sản của bà con ngư dân.

Tuy nhiên, sự quan tâm của chính quyền đã góp phần tháo gỡ khó khăn giúp bà con ngư dân an tâm vươn khơi bám biển.

Cơ cấu tàu thuyền và nghề khai thác tại Đà Nẵng đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng giảm mạnh các nghề khác thác cấm, hủy diệt nguồn lợi thủy sản như lưới kéo đôi, lưới kéo đơn, tăng các nghề khai thác vùng khơi

Ước tổng sản lượng khai thác của các đội tàu cá ở Đà Nẵng trong 9 tháng đầu năm đạt 29.255 tấn, đạt 79% chỉ tiêu năm 2022 (37.000 tấn), tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021.

Cùng với sự phát triển về số lượng và cơ cấu tàu thuyền, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá tại Đà Nẵng cũng được đầu tư, phát triển.

Với mục tiêu phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố, tạo thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, ngày 3/6/2022, UBND thành phố phê duyệt Quyết định số 1500/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3 - 4%/năm; tổng sản lượng thủy sản toàn thành phố đạt 38.000 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm 3 - 5%, sản lượng khai thác thủy sản chiếm 95 - 97%; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 250 triệu USD.

Tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; là trung tâm dịch vụ nghề cá của khu vực gắn với ngư trường Hoàng Sa; giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành kinh tế biển, tạo các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng, thực phẩm; bảo đảm an sinh xã hội, làng cá xanh, sạch, đẹp, văn minh; lao động thủy sản có mức thu nhập ngang bằng mức bình quân chung cả nước; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Diệu Thùy