Đại biểu Quốc hội kỳ vọng vào Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giao dịch trên không gian mạng

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương bên hàng lang Quốc hội chiều ngày 25/10, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) của Bộ Công Thương mặc dù mới trình, nhưng đưa ra trong thời điểm này là rất kịp thời và được người tiêu dùng đồng tình ủng hộ.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp trao đổi với phóng viên Báo Công Thương

Có thể nói, ở Việt Nam đã có cả hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà nhà nước đã ban hành. Tuy nhiên, quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng vẫn bị xâm hại, khi mua phải hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.

“Nguyên nhân do chính sách còn bất cập, luật bảo vệ người tiêu dùng được ban hành cách đây đã 12 năm, trong khi tình hình kinh tế - xã hội của đất nước cũng như trên thế giới đã có nhiều thay đổi. Trước hết là do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thứ hai, là do đại dịch Covid-19. Với điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi như vậy, nhiều quy định của luật đã không còn phù hợp với thực tế nữa nhưng chưa được điều chỉnh - đại biểu Phạm Văn Hòa.

Vị đại biểu đoàn Đồng Tháp chỉ ra, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã đề cập tới việc chú trọng bảo vệ quyền lợi đối với nhóm người tiêu dùng có yếu tố riêng, gặp nhiều bất lợi hơn người tiêu dùng thông thường.

Dự thảo Luật bổ sung quy định về khái niệm và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Cốt lõi của Luật là vừa bảo vệ người tiêu dùng và đồng thời, cũng bảo vệ người sản xuất một cách chính đáng.

Vị đại biểu này cũng bày tỏ lo ngại, hiện nay đối với lĩnh vực thương mại điện tử giúp người tiêu dùng mua bán nhanh chóng, dễ dàng, thuận lợi hơn, song người tiêu dùng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn như: Bị lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản; bị lừa đảo hoặc mua phải hàng giả, hàng nhái.

“Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) bổ sung về các giao dịch đặc thù, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giao dịch trên không gian mạng”- đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Giải quyết triệt để các vấn đề "khúc mắc" của người tiêu dùng

Trước băn khoăn về vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch điện tử, đại biểu Trình Lam Sinh - đoàn đại biểu Quốc hội An Giang cho biết, đây là vấn đề của hai luật: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Giao dịch điện tử.

Đại biểu Trình Lam Sinh - đoàn An Giang chia sẻ bên hành lang Quốc hội

Hiện nay, thương mại điện tử ngày càng phát triển. Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ và sẽ trở thành quốc gia đạt tỷ lệ giao dịch thương mại điện tử lớn nhất trong khu vực và trên toàn cầu.

Tuy nhiên, thực tế, bảo vệ người tiêu dùng vốn là câu chuyện lâu nay được đề cập khá nhiều nhưng hầu như chưa được xử lý tốt và rốt ráo. Bản thân người tiêu dùng cũng chưa ý thức được việc phải tự bảo vệ bản thân mình và cũng không biết phải liên hệ ở đâu để đảm bảo quyền lợi cho chính mình ngay cả khi mua bán, trao đổi hàng hóa với siêu thị hay mọi kênh thương mại khác.

“Khi giao dịch điện tử, chắc chắn có những vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng càng cao hơn, đó là điều chúng ta phải bàn tiếp để làm tốt hơn nữa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình giao dịch mua bán sản phẩm” - đại biểu Trình Lam Sinh nói.

Đại biểu đoàn An Giang cho rằng, phải đồng nhất được 2 dự án luật là Luật giao dịch điện tử và Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để cùng đạt tới mục đích chung là giải quyết triệt để những vấn đề khúc mắc mà người tiêu dùng đang gặp phải; gỡ bỏ những bất cập, những băn khoăn, lo lắng của người dân khi tham gia mua bán thông qua các nền tảng điện tử.

“Việc hoàn thiện hai dự luật này không chỉ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động giao dịch mua bán điện tử mà còn giúp tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, cần thiết kế thêm các chế tài xử lý vi phạm, bởi hoạt động này luôn tiềm ẩn nguy cơ cao do có sự gian lận, lừa đảo và rủi ro rất lớn… - ông Trình Lam Sinh nêu.

Quỳnh Nga - Lan Anh