Đại diện IMF: Việt Nam cần tính đến rủi ro khi kinh tế tăng trưởng cao

Trong cuộc phỏng vấn với Zing, ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam - nhận định triển vọng kinh tế thế giới đang ngày càng xấu đi và Việt Nam cũng không miễn nhiễm với những thách thức toàn cầu.

Nhưng đến nay, đà phục hồi kinh tế của Việt Nam vẫn mạnh mẽ. Theo ông Painchaud, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thêm một điểm phần trăm trong năm nay.

Đối với năm 2023, dù bị hạ, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn cao nhất trong số các nền kinh tế chủ chốt tại châu Á.

Vị trưởng đại diện cho rằng Việt Nam cần theo dõi sát sao rủi ro lạm phát và đưa ra các chính sách tài khóa linh hoạt khi điều kiện kinh tế liên tục biến động.

Kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022. Ảnh: Việt Linh, Hoàng Hà, Quỳnh Danh.

Triển vọng kinh tế thế giới u ám

- Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay?

- Theo sau đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2021 là những diễn biến ngày càng u ám năm 2023. Các cú sốc đã giáng vào nền kinh tế vốn đã suy yếu vì đại dịch, trong đó có xung đột Nga - Ukraine và sự giảm tốc tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.

Ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam.

Thêm vào đó, khi lạm phát tăng cao hơn dự kiến, nhất là ở Mỹ và châu Âu, các ngân hàng trung ương quyết định nâng lãi suất, thắt chặt những điều kiện tài chính trên toàn cầu. Điều này cũng mới được IMF lưu ý gần đây.

Trong bản cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới mới đây, IMF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm từ 6,1% trong năm 2021 xuống 3,2% vào năm nay.

Dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ, Trung Quốc và châu Âu cũng được điều chỉnh giảm đáng kể.

Trong khi đó, lạm phát được điều chỉnh tăng do giá lương thực, năng lượng tăng cao và tình trạng mất cân bằng cung - cầu kéo dài.

Theo dự báo của IMF, lạm phát sẽ đạt 6,6% tại các nền kinh tế tiên tiến và 9,5% ở những thị trường mới nổi, các quốc gia đang phát triển trong năm nay.

Bước sang năm 2023, tác động của việc thắt chặt các chính sách tiền tệ mạnh tay hơn dự kiến được phơi bày. Mức tăng trưởng GDP toàn cầu có thể thu hẹp còn 2,9%.

Việt Nam trở thành điểm sáng

- IMF đánh giá thế nào về bức tranh kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động?

- Bất chấp bức tranh u ám của kinh tế toàn cầu, đến nay, đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ. Nền kinh tế đã phục hồi nhanh chóng trong nửa đầu năm nay sau khi đất nước triển khai tiêm chủng quy mô lớn và áp dụng chiến lược sống chung với Covid-19.

Các chính sách hỗ trợ như lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng mạnh và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã giúp đẩy mạnh sản lượng trong lĩnh vực sản xuất, cũng như sự phục hồi của lĩnh vực bán lẻ, du lịch.

Giá tiêu dùng đã tăng trong 7 tháng đầu năm, nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay.

Nhìn chung, chúng tôi dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7% trong năm nay, nâng 1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Đây cũng là đợt điều chỉnh tăng đáng kể duy nhất trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á.

Chúng tôi đã hạ triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm sau 0,5 điểm phần trăm xuống 6,7%. Tuy nhiên, dự báo tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn vượt xa những quốc gia khác, và sẽ là tốc độ nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn của châu Á.

Dù vậy, triển vọng kinh tế tương đối tích cực của Việt Nam vẫn chịu tác động của một môi trường kinh tế bấp bênh. Chẳng hạn, tăng trưởng giảm tốc ở một số đối tác thương mại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng của Việt Nam.

Ngoài ra, các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn có thể dẫn đến tình trạng dòng vốn chảy sang những nước khác. Trên thực tế, tình trạng này đã xảy ra ở một số nền kinh tế mới nổi trong khu vực.

Thêm vào đó, tình trạng bấp bênh đối với thương mại toàn cầu và các thị trường tài chính có thể tạo sức ép lên đà phục hồi. Đáng nói, chuỗi cung ứng gián đoạn có thể khiến một số ngành công nghiệp không thể tiếp cận những hàng hóa trung gian cần thiết.

- Các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang gặp khó trong việc tiếp cận nguồn tín dụng. Trong khi đó, nhu cầu trên thế giới suy yếu cũng khiến doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để vừa đối phó với rủi ro lạm phát, vừa đảm bảo duy trì các hoạt động kinh tế và tăng trưởng?

- Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần tiếp tục theo dõi sát sao rủi ro lạm phát đang gia tăng, đồng thời cam kết theo đuổi mục tiêu đã đề ra và sẵn sàng hành động khi cần thiết.

NHNN cũng cần tiếp tục xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và giám sát sát sao những rủi ro tiềm ẩn trong thị trường bất động sản để đảm bảo ổn định tài chính.

Chính sách tài khóa cần phải linh hoạt trong bối cảnh các điều kiện kinh tế liên tục biến động.

Việt Nam cần tiếp tục theo dõi sát sao rủi ro lạm phát đang gia tăng.

Nếu kinh tế phục hồi nhanh hơn dự kiến, NHNN cần thắt chặt hơn đối với các chính sách tài khóa, giúp kiểm soát áp lực lạm phát đang giá tăng.

Ở chiều ngược lại, nếu những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế gia tăng, cần đảm bảo đưa ra các phản ứng tài khóa kịp thời. Cùng với đó là linh hoạt hơn trong việc tái phân bổ nguồn vốn trong gói phục hồi kinh tế.

Việt Nam cần có những cải cách cơ cấu dứt khoát nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng bền vững và bao trùm. Môi trường kinh doanh nên được cải thiện bằng cách tạo ra một sân chơi bình đẳng trong việc tiếp cận tài chính, đất đai, đồng thời giảm gánh nặng pháp lý, nhất là với những startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài ra, cần có những nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng của lực lượng lao động và giảm thiểu tình trạng lệch pha cung cầu trên thị trường lao động.

Thảo Cao