Đánh giá cán bộ từ hiệu quả công việc

Dự án Đường ven sông Đồng Nai từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu chậm tiến độ so với kế hoạch, chưa thể hoàn thành giải phóng mặt bằng do chưa bố trí được tái định cư. Ảnh: C.NGHĨA

Thời gian vừa qua câu hỏi: “Vì sao Đồng Nai có nhiều điều kiện tương đồng với các tỉnh lân cận, chính sách, pháp luật như nhau nhưng tỉnh lại có tốc độ tăng trưởng sụt giảm” đã được thẳng thắn đặt ra trong một số cuộc họp của tỉnh để tìm nguyên nhân.

Băn khoăn với chữ “chậm”

Nêu quan điểm của mình về vấn đề tốc độ tăng trưởng của tỉnh sụt giảm so với các địa phương lân cận có cùng điều kiện và chính sách, pháp luật như nhau, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo cho rằng, ngoài những nguyên nhân khách quan phải nói đến nguyên nhân từ công tác cán bộ. Tỉnh đã sớm nhìn nhận ra vấn đề này và thời gian qua đang quyết liệt đẩy mạnh công tác sắp xếp cán bộ sao cho hợp lý, đảm bảo hiệu quả công việc được giao.

Đồng chí Thái Bảo nêu ví dụ, một số địa phương và cử tri phản ảnh, công tác cải cách thủ tục hành chính của các sở, ngành chưa tốt, nhiều hồ sơ chậm trễ trong xử lý và tình trạng trễ hẹn kéo dài. Nhiều nội dung địa phương đề xuất lên còn bị “ách tắc”, dẫn đến chậm trễ tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo xử lý trả lời. Thậm chí có sở đã làm văn bản xin ý kiến nhưng tới 6 tháng sau mới nhận được văn bản phản hồi, như vậy là rất chậm trễ.

Một vấn đề khác được đồng chí Thái Bảo phân tích liên quan đến công tác cán bộ, đó là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ năm 2021 đến nay. Mặc dù năm nào cũng được nhắc đi nhắc lại nhưng vẫn chậm và năm nay thậm chí còn chậm hơn. Đồng chí Thái Bảo nêu, mỗi dịp cuối năm các sở, ngành, địa phương đều cam kết sẽ giải ngân vốn đầu tư công trên 90% chỉ tiêu được giao nhưng thực tế chỉ đạt 60%. Hay như năm 2023, hết tháng 11 mới đạt 52% và khó đạt như kỳ vọng. Dẫu nói nhiều về trách nhiệm nhưng đến nay chưa có cán bộ nào bị xử lý vì chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công.

Hay tại buổi giám sát của UBND tỉnh tại Sở KH-ĐT về công tác dân vận chính quyền, lãnh đạo Sở cho hay, có những công văn trả lời, giải quyết cho doanh nghiệp do Sở KH-ĐT chủ trì bị chậm. Lý do là một số sở, ngành khi được Sở KH-ĐT có văn bản đề nghị có ý kiến tham mưu nhưng khi hết thời gian quy định vẫn không có văn bản phản hồi. Hệ quả là Sở KH-ĐT phải có văn bản xin lỗi với doanh nghiệp vì chậm trễ trong trả lời văn bản.

Cần cá thể hóa trách nhiệm cán bộ

Tình trạng cán bộ có biểu hiện né tránh công việc, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, từ đó không đề xuất, không làm gì đang được xem là một trong những nguyên nhân gây chậm trễ công việc, làm cản trở và đánh mất đi cơ hội phát triển của tỉnh. Chính vì vậy, cần sớm có những giải pháp quyết liệt để “bắt trúng bệnh, bốc đúng thuốc và trị dứt điểm” tình trạng cán bộ sợ sai, sợ chịu trách nhiệm. Muốn làm được điều đó ngoài sự quyết tâm chính trị, tinh thần trách nhiệm thì cần làm tốt công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra.

Tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 (khóa XI) mới đây, từ “chậm” đã được nhắc đến khá nhiều lần trong nhiều đầu công việc như: chậm giải ngân vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng, nhà ở xã hội, các dự án du lịch, chuyển đổi số, công bố quy hoạch, tỷ lệ ứng dụng khoa học công nghệ…

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, nếu chúng ta cứ tiếp tục chậm trễ thì sẽ mất hết cơ hội phát triển. Đồng chí phân tích: “Bây giờ không còn là câu chuyện “cá lớn nuốt cá bé” mà là con cá nhanh hơn sẽ ăn được nhiều mồi hơn. Những tỉnh “nhanh chân” hơn sẽ rước hết các nhà đầu tư mạnh”. “Điểm danh” những việc còn chậm, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị: “Các tư lệnh ngành, giám đốc các sở, các phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách các lĩnh vực, các địa phương phải nỗ lực nhiều hơn nữa”.

Đề cập đến những giải pháp để giải quyết các vấn đề cấp bách đang đặt ra với sự phát triển của tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị, sắp tới Ban TVTU xem xét lập một số đoàn để giám sát một số việc còn chậm, tìm ra nguyên vì sao bị chậm. Việc chậm trễ cần làm rõ là nằm ở khâu nào, xác định trách nhiệm của các sở, ngành, cá nhân ra sao. Bên cạnh đó, phải cá thể hóa trách nhiệm của các tập thể, cá nhân đối với nhiệm vụ được giao.

Công Nghĩa