Đẩy mạnh công tác thu hồi nợ thuế

Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Thống kê cho thấy, đến hết tháng 6, tiền thuế nợ có khả năng thu là 80.037 tỷ đồng. Ngoài ra, tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh) là 25.278 tỷ đồng (giảm 47,8% so với cùng kỳ năm 2020). Theo Tổng cục Thuế, nợ thuế không còn khả năng thu giảm mạnh so với cùng kỳ 2020 là do cơ quan Thuế các cấp thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94 của Quốc hội.

Hiện tỷ lệ tổng nợ trên tổng thu năm 2021 ở mức 10,4%, cao hơn 3% so với thời điểm cuối năm 2020 và cao hơn 5,4% so với nhiệm vụ Chính phủ giao (5%). Nguyên nhân chủ yếu là do đầu năm 2021 đến nay đã xảy ra 2 đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 với diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ dẫn đến người nộp thuế gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên chưa nộp kịp thời tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước làm tăng nợ thuế.

Bên cạnh đó, một số người nộp thuế thuộc ngành nghề được gia hạn nộp thuế chưa nộp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ làm tổng số nợ thuế tăng lên.

Số nợ thuế tăng lên cũng do việc phát sinh thêm tiền chậm nộp tính theo mức 0,03%/ngày trên tổng số tiền thuế nợ làm tăng nợ thuế. Ngoài ra, còn có tình trạng một số người nộp thuế không bị tác động, ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh COVID-19 nhưng lợi dụng dịch bệnh để chây ỳ, chưa nộp tiền thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước.

Theo Tổng cục Thuế, từ nay đến cuối năm 2021, toàn hệ thống quản lý nợ phải tập trung đôn đốc thu nợ tối thiểu đạt 80% các khoản tiền thuế nợ có khả năng thu tại thời điểm ngày 31/12/2020, đồng thời phải giảm tỷ lệ nợ thuế đến 31/12/2021 xuống dưới 5% tổng thu năm 2021.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, ngành Thuế sẽ rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng nợ thuế, lập danh sách các doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế theo từng nhóm nguyên nhân nợ, đặc biệt tập trung rà soát, phân loại những người nộp thuế bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh COVID-19, trên cơ sở đó áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng đối tượng.

Đáng chú ý, yêu cầu các cục thuế địa phương phải tiếp tục rà soát, xử lý các doanh nghiệp nợ lớn, thông báo danh sách doanh nghiệp nợ thuế, yêu cầu cơ quan thuế các cấp tổ chức đôn đốc thu ngay các khoản nợ mới phát sinh, tránh tình trạng để tuổi nợ dài gây khó khăn trong việc thu nợ thuế.

Đối với các trường hợp thuộc diện cưỡng chế, kiên quyết thực hiện cưỡng chế nợ thuế, công khai thông tin người nộp thuế chây ỳ nợ thuế, không nộp tiền thuế đúng hạn lên báo, đài, trang web cơ quan thuế, loa phát thanh phường, xã theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế.

Ngoài ra, sẽ tiếp tục đôn đốc thu nợ đối với các khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn, hạn chế phát sinh nợ mới.../.

M.P