Đẩy mạnh tiêu dùng nội địa

Dù dịch diễn biến phức tạp, thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục đẩy mạnh tiêu dùng nội địa ổn định. Trong ảnh: Người tiêu dùng tới mua hàng tại siêu thị Co.opmart, quận Gò Vấp. Ảnh: Thu Ngân

Tại thời điểm này, thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn thành phố theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 và Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 19-6-2021 của UBND thành phố về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, thành phố khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh phân phối nội địa, đồng thời kích thích tiêu dùng.

Chị Trần Thị Linh (ở phường 5, quận 8) cho biết, trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội, gia đình chị mua các mặt hàng lương thực, thực phẩm đến các loại hàng hóa khác, bằng nhiều hình thức khác nhau.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển hướng tiêu thụ nội địa. Đơn cử, Công ty cổ phần Saigon Food (Saigon Food) trước đây sản phẩm thủy, hải sản đông lạnh xuất khẩu chiếm 70%, tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 30%. Hiện nay, doanh nghiệp này đã chú trọng phân phối thị trường nội địa với việc xây dựng hơn 5.000 điểm phân phối bán lẻ. Phó Tổng Giám đốc Saigon Food Lê Thị Thanh Lâm cho biết, do tập trung thị trường nội địa nên doanh nghiệp đã có thêm dòng sản phẩm thủy, hải sản bảo quản ở nhiệt độ thường để phù hợp với các cửa hàng.

Còn Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) Nguyễn Anh Đức thông tin, tại thành phố Hồ Chí Minh, Saigon Co.op đang vận hành 200 siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood... Đây là chuỗi hệ thống bán lẻ hiện đại góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kênh phân phối, tiêu thụ nội địa mà thành phố Hồ Chí Minh đang chú trọng.

Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, với hơn 10 triệu dân, thành phố có thị trường tiêu dùng nội địa sôi động nhất cả nước. Chính vì vậy, tăng cường tiêu dùng nội địa sẽ giúp thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định, thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, thành phố chú trọng sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa tại thị trường nội địa. Vì thế, kể từ khi làn sóng dịch thứ tư bùng phát đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh và lưu thông, cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn vẫn duy trì được sự ổn định.

Nhằm kích thích tiêu dùng, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức làm việc trực tuyến với ngành Công Thương của 22 tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ để trao đổi thông tin hai chiều, dự báo tình hình thị trường, gắn kết chặt chẽ giữa các địa phương, thống nhất giải pháp hỗ trợ bảo đảm lưu thông, vận chuyển, cung ứng hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố. Sở cũng thường xuyên làm việc trực tuyến với các hệ thống phân phối, doanh nghiệp bình ổn thị trường để nắm tình hình nguồn cung, nhằm kịp thời triển khai các giải pháp cân đối cung cầu hàng hóa. Thành phố cũng xây dựng đa dạng các kênh phân phối bao gồm kênh truyền thống, hiện đại, thương mại điện tử... để đáp ứng mọi hình thức mua sắm của người tiêu dùng.

Tại buổi làm việc mới đây với Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu ngành Công Thương thành phố cần có các kịch bản ứng phó với dịch bệnh, bảo đảm sản xuất an toàn và cung ứng hàng hóa trong mọi tình huống; đồng thời tăng cường các hoạt động kiểm tra, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và phân phối hàng hóa trên địa bàn thành phố tuân thủ quy trình thực hiện chuỗi sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa an toàn.

Trọng Ngôn