Điểm lại sự kiện nổi bật của ngành Tài chính tháng 8/2022

1. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc gửi Thư chúc mừng 77 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính

Tháng 8/2022 đánh dấu kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính Việt Nam (28/8/1945-28/8/2022). Nhân dịp kỷ niệm, thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã gửi Thư chúc mừng tới các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Tài chính.

Trong thư, Bộ trưởng nhấn mạnh, trong suốt chặng đường lịch sử 77 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính đã không ngừng phấn đấu thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nỗ lực không ngừng vượt qua mọi khó khăn thử thách, đóng góp tích cực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phát huy những thành tựu đạt được, đồng thời nhận thức những thách thức trong giai đoạn tới, Bộ trưởng tin tưởng, toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của Ngành.

Tuy nhiên, trong dịp kỷ niệm này, Bộ Tài chính không tổ chức mít - tinh kỷ niệm, không tổ chức đón tiếp các đoàn đến thăm, chúc mừng và đề nghị các cơ quan, tổ chức không gửi hoa chúc mừng.

2. Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Tài chính

Sáng ngày 23/8/2022, Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Tài chính để chuẩn bị cho giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 trình Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 9/2022 và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Báo cáo tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính – NSNN, tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương. Từ năm 2016-2021, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã tiết kiệm được hơn 6.087 tỷ đồng trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí NSNN.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo về việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Ảnh: QH

Trong tổ chức, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Bộ Tài chính đã chủ động tổ chức, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền của Bộ, theo đó đã giảm từ 36 đơn vị xuống còn 26 đơn vị, tương đương giảm khoảng 28% số lượng đơn vị sự nghiệp...

Cho ý kiến tại buổi làm việc, đa số thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao báo cáo của Bộ Tài chính được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng; đồng thời, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Bộ Tài chính đã đạt được nhiều kiết quả đáng ghi nhận. Các thành viên Đoàn giám sát cũng nêu những tồn tại, hạn chế trong công tác này và đề nghị khắc phục trong thời gian tới.

3. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại 4 địa phương

Ngày 25/8/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Tổ trưởng Tổ công tác số 6 của Chính phủ đã đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại tỉnh Khánh Hòa và làm việc với các địa phương Nghệ An, Phú Yên, Sóc Trăng.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kịp thời có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, các tổ công tác được thành lập trực tiếp đi kiểm tra các địa phương có giải ngân chậm dưới 50%.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và đoàn công tác thị sát tại công trình sử dụng vốn đầu tư công tại tỉnh Khánh Hòa.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, năm 2022 là năm bắt đầu khởi công mới nhiều dự án, những tháng đầu năm hoàn tất thủ tục đầu tư, nên tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm. Do vậy, dù còn nhiều khó khăn, nhưng các địa phương đều phấn đấu ước giải ngân cả năm (đến ngày 31/01/2023) đạt 100% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Để thực hiện được điều này, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các địa phương cần "đi trước một bước" trong công tác giải phóng mặt bằng, bởi đây chính là nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân chậm. Bộ trưởng lưu ý các địa phương cần báo cáo rõ tình hình giải ngân, nêu các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và từ đó đề ra các giải pháp trong thời gian tới.

4. Đảng ủy Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng năm 2022

Ngày 18-19/8/2022, Đảng ủy Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng tại Đà Nẵng. Sau 2 ngày làm việc, Hội nghị đã thành công tốt đẹp.

Toàn cảnh hội nghị.

Hội nghị đã được nghe đồng chí Nguyễn Thành Nam - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương giới thiệu chuyên đề “Những vấn đề mới cơ bản trong Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng”; đồng chí Nguyễn Khắc Tiến - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương, Phó Ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương giới thiệu Chuyên đề “Nhiệm vụ của Chi ủy và Bí thư Chi bộ Bồi dưỡng nghiệp vụ bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở năm 2022”; đồng chí Nguyễn Minh Chung – Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương trình bày Chuyên đề “Đổi mới công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Thân - Vụ trưởng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Tài chính đánh giá, trong 2 ngày học tập, các đảng viên đã thực hiện rất tốt nội quy, có thái độ, tác phong học tập nghiêm túc, chuyên cần.

5. Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Tài chính lần thứ XXVIII thành công tốt đẹp

Sáng ngày 17/8/2022, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Tài chính long trọng tổ chức Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2022-2027. Dự và chỉ đạo đại hội có đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Đồng chí Nguyễn Tường Lâm - Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Đồng chí Bùi Hoàng Tùng - Quyền Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tặng hoa chúc mừng Đại hội.

Phát biểu chỉ đạo đại hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc bày tỏ ấn tượng với khẩu hiệu hành động Đoàn Thanh niên Bộ đưa ra, đặc biệt là "tiên phong và sáng tạo". Đây là đặc trưng của tuổi trẻ, đoàn viên thanh niên là biểu tượng cho sức trẻ, sáng tạo, tiên phong và lòng quả cảm.

Nhấn mạnh sứ mệnh của thanh niên trong thời đại tri thức, khoa học công nghệ, thời đại số, Bộ trưởng mong muốn, trong công cuộc đổi mới hiện nay và thực hiện nhiệm vụ của Ngành, thanh niên ngành Tài chính sẽ phát huy trí tuệ vào thực hiện công việc để góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Ngành, đóng góp vào sự phát triển đất nước.

6. Bộ Tài chính tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm quốc tế trong cải cách quản lý nợ công

Ngày 23-24/8/2022, Bộ Tài chính phối hợp cùng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tổ chức hội thảo về kinh nghiệm quốc tế trong cải cách công tác quản lý nợ công và hội thảo thông lệ tốt về quản lý nợ công. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đồng chủ trì hội thảo cùng đại diện IMF, WB.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đồng chủ trì hội thảo cùng đại diện IMF, WB.

Hội thảo là cơ hội để cơ quan quản lý lắng nghe ý kiến của các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, các đối tác phát triển, các chuyên gia, nhà nghiên cứu về công tác quản lý nợ công hiện nay và kỳ vọng về cải cách thể chế trong quản lý nợ công trong thời gian tới để tiệm cận thông lệ khu vực, quốc tế.

Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế bên cạnh chia sẻ kinh nghiệm về thể chế quản lý nợ công đã đưa ra khuyến nghị lộ trình cải cách phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thể chế quản lý của Việt Nam.

7. Bộ Tài chính dẫn đầu khối các bộ cung cấp dịch vụ công về chuyển đổi số

Theo Báo cáo kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021 (DTI 2021) do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Bộ Tài chính tiếp tục dẫn đầu về mức độ chuyển đổi số năm 2021 trong các bộ cung cấp dịch vụ công.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bộ Tài chính duy trì vị trí đứng đầu về DTI của các bộ cung cấp dịch vụ công với giá trị 0,6321 tăng so với năm 2020 (0,4944); vị trí thứ hai thuộc về Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và vị trí thứ ba thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đây là năm thứ hai liên tiếp Bộ Tài chính dẫn đầu về chuyển đổi số. Kết quả này cho thấy những nỗ lực và quyết tâm của Bộ Tài chính trong việc phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

T. Huyền