Điều gì làm EVN lỗ nặng?

Tin mừng là số lỗ này là thấp hơn nhiều so với con số ước tính từ đầu năm của Bộ Công Thương, do tập đoàn này đã thực hiện nhiều giải pháp tiết giảm chi phí. Theo kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm thì kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN có thể lỗ lên tới 64.805 tỷ đồng. Một con số khổng lồ!

Giá điện đang đứng trước áp lực điều chỉnh. Ảnh: Lương Bằng

Biến động giá nhiên liệu, đặc biệt là giá than trên thế giới làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của tập đoàn này tăng rất cao. Đơn cử, giá than nhập trên thị trường quốc tế từ mức 160 USD/tấn của tháng 9/2021 đã liên tục tăng phi mã. Thời điểm tháng 8/2022 giá than đã có lúc tăng lên hơn 400 USD/tấn. Giá thành ở khâu phát điện chiếm tỷ trọng rất lớn 82,45% trong giá thành điện thương phẩm.

Khi giá than nhập khẩu tăng, thì EVN phải mua điện từ các nhà máy sử dụng than nhập khẩu ở mức giá lên tới khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kWh, cao gấp hơn 3 - 4 lần so với thời kỳ giá than quốc tế không gặp biến động trước đây. Tập đoàn này mua điện từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than trong nước với mức giá khoảng 1.800-2.000 đồng/kWh.

Giá mua điện từ nguồn điện gió, điện mặt trời là dao động từ 1.900 – 2.200 đồng/kWh. Đây cũng là nguồn điện quan trọng bổ sung cho hệ thống điện năm 2022 nhưng lại có nhược điểm là không thường xuyên và liên tục.

Còn giá mua điện từ các nhà máy thủy điện trung bình dưới 1.100 đồng/kWh. Năm 2022, thủy văn thuận lợi nên các nhà máy thủy điện đã gồng gánh đáng kể cho hệ thống điện. Nếu không được mùa nước như năm nay, thì số lỗ của EVN dự kiến còn tăng cao hơn nhiều.

Có thể thấy, ngoài thủy điện có giá rẻ, các nguồn điện khác như điện than, điện gió, mặt trời, điện khí đều cao hơn giá bán lẻ điện bình quân hiện hành (1.864,44 đồng/kWh). Chuyên gia Đào Nhật Đình từng nhận xét, "thủy điện phải gánh cho cả nền kinh tế”.

Nhìn vào cơ cấu sản lượng điện 10 tháng năm 2022 được EVN công bố, có thể thấy chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện là khiến EVN lỗ nặng nhất. Theo đó, sản lượng điện từ nhiệt điện 10 tháng chiếm tới 38,3% sản xuất toàn hệ thống, năng lượng tái tạo chiếm 13,2%, tua bin khí 10,6%, thủy điện 36,5%, còn lại 1,2% là điện nhập khẩu.

Trong khi đó, giá bán điện kể từ tháng 3/2019 đến nay duy trì ở mức 1.864,44 đồng/kWh. Ngoài ra, thời điểm Covid-19 bùng phát năm 2020-2021, tập đoàn này cũng đã có 5 đợt hỗ trợ giảm tiền điện cho nhiều hộ khách hàng với tổng số tiền là 16.300 tỷ đồng.

Theo quy luật kinh doanh thông thường, giá bán ra phải cao hơn giá mua vào. Nhưng thực tế của năm 2022 cho thấy giá mua điện của EVN cao hơn giá bán lẻ. Song, đời sống người dân và nền kinh tế không thể thiếu điện nên việc mua điện từ các nhà máy vẫn cần được đảm bảo.

Số lỗ dự kiến lên tới 31.360 tỷ đồng kể trên sẽ là một gánh nặng cho tập đoàn này trong năm 2022 và những năm tới. Nguồn lực đầu tư cho việc xây dựng các nhà máy điện mới sẽ cạn kiệt, trong khi tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện vẫn tăng hàng năm.

Lúc này, EVN sẽ cần phải có những giải trình kỹ càng và chi tiết về các nguyên nhân khiến tình hình kinh doanh lỗ, và tăng cường quản trị, tiếp tục tiết giảm các chi phí có thể.

Mặt khác, các cơ quan liên quan cần cùng EVN tính toán giá bán lẻ điện theo đúng quy định của Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở các thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện tác động trực tiếp đến chi phí mua điện, bao gồm giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát và chi phí mua điện trên thị trường điện.

Tất nhiên, các con số này phải được kiểm toán độc lập, được kiểm tra chặt chẽ bởi đoàn kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện với nhiều thành viên Bộ Công Thương, Tài chính, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam…

Bài học về nguồn cung xăng dầu năm 2022 có thể sẽ cần phải đúc rút để rút ra kinh nghiệm cho thị trường điện năm tới.

Bất kỳ loại giá nào đều cũng phải tuân theo hai quy luật thị trường là quy luật cung cầu và quy luật giá trị bởi khi giá không được tính đúng, tính đủ thị trường vận hành sẽ gặp trục trặc, đứt gãy.

Bất kỳ cái gì trên đời đều có giá của nó. EVN là doanh nghiệp nhà nước nên được quản lý, vận hành theo nhiều mục tiêu của Chính phủ, trong đó có đảm bảo an sinh xã hội. Nhưng hy vọng giá điện sẽ được xử lý dần từng bước, không để rủi ro cho thế hệ tương lai.

Lương Bằng