Doanh nghiệp khốn khổ vì... điều kiện kinh doanh 'núp bóng'

Theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công, trong quá trình tham gia và theo sát quá trình xây dựng chính sách, pháp luật trong năm vừa qua, VCCI nhận thấy có một số “dòng chảy” đáng lưu ý như hoạt động cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa chi phí cho doanh nghiệp được thúc đẩy mạnh mẽ; đã có nhiều nỗ lực để tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp.

Nóng quản lý xăng dầu, phòng cháy chữa cháy

Dấu ấn của doanh nghiệp trong hoạt động vận động chính sách thể hiện ở Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt… Nhiều ý kiến mạnh mẽ, kiên trì của doanh nghiệp đã tác động đến cơ quan soạn thảo chính sách.

Nghị định về kinh doanh xăng dầu dự kiến tiếp tục nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp xăng dầu trong năm 2024.

Dù vậy, VCCI nhận định, vẫn còn một số chính sách chưa phù hợp, cần tiếp tục thay đổi mạnh mẽ về tư duy quản lý hay chính sách chuyển đổi xanh đang được thúc đẩy mạnh mẽ nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn từ phía doanh nghiệp.

Trong đó, chính sách quản lý xăng dầu là một ví dụ. Hiện, Nhà nước đang can thiệp trực tiếp vào giá thành, quy định chặt chẽ về phương thức kinh doanh, tổ chức hệ thống phân phối, dự trữ, số lượng đầu mối, điều chỉnh giá… Chính sách quản lý như vậy làm giảm khá nhiều sự năng động, cạnh tranh trên thị trường.

“Điểm tích cực là Chính phủ đang có kế hoạch sửa đổi, hiện Bộ Công thương được giao chủ trì sửa đổi căn bản Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Hy vọng là sẽ có những chuyển biến lớn về tư duy quản lý trong nghị định mới”, Chủ tịch VCCI nói.

Cùng với đó, báo cáo dòng chảy kinh doanh pháp luật năm 2023 của VCCI chỉ ra quy định phòng cháy chữa cháy là vấn đề nóng, nhiều vướng mắc mà các DN phản ánh. Trong đó, một số vấn đề pháp lý như sơn chống cháy, chậm công nhận các mẫu sơn được phép sử dụng; khoảng cách lưu thông vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng…

Về chuyển đổi xanh, ông Nguyễn Hồng Uy, Trưởng nhóm kỹ thuật Tiểu ban Thực phẩm Dinh Dưỡng (EuroCham), phản ánh các hiệp hội, các doanh nghiệp phát triển bền vững đều rất ủng hộ việc bảo vệ môi trường nói chung; tái chế bao bì, sản phẩm thải bỏ nói riêng và rất tích cực tham gia đóng góp xây dựng các quy định về EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất).

Tuy vậy, ở Việt Nam, các hiệp hội ước tính chỉ với 3 loại bao bì (kim loại, nhựa và giấy), đóng góp tái chế xấp xỉ 6000 tỷ đồng/năm. Tổng phí EPR lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng/năm, sẽ là gánh nặng lớn cho DN và người tiêu dùng, trong khi quy định sử dụng quỹ đóng góp này như thế nào vẫn chưa có, dẫn tới hiệu quả thực sự với môi trường chưa rõ!

Xử lý thế nào với điều kiện kinh doanh ‘núp bóng’

Theo TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT), thực tế cho thấy số lượng điều kiện kinh doanh vẫn còn nhiều. Những điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không có ý nghĩa và hiệu quả về quản lý nhà nước đã gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tăng chi phí và rủi ro, làm giảm niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp; giảm tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh; tạo dư địa tham nhũng,… và do vậy tác động trực tiếp tới tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến 2023 là 2.770 quy định tại 224 văn bản quy phạm pháp luật trên tổng số 15.801 quy định kinh doanh được cập nhật, công khai trên Cổng Tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Tuy nhiên, khi nghiên cứu, rà soát nhận thấy rằng trong số này, số lượng các điều kiện kinh doanh cắt bỏ rất ít hoặc chỉ cắt bỏ những điều kiện kinh doanh ít ý nghĩa, chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, số lượng quy định được coi là “cắt giảm, đơn giản hóa” chủ yếu tổng hợp theo báo cáo hành chính, chưa có đánh giá về chất lượng cải cách. Do đó, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp trên thực tế chưa thực sự được cắt giảm.

Kết quả rà soát điều kiện kinh doanh của CIEM (2023) cho thấy còn một số vấn đề bất cập, đó là: Còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định; Điều kiện kinh doanh lồng ghép và chứa đựng các giấy phép; Vẫn tồn tại điều kiện kinh doanh không cần thiết; Điều kiện kinh doanh lồng ghép trong các quy chuẩn kỹ thuật; Điều kiện kinh doanh thể hiện dưới hình thức chứng chỉ khá phổ biến.

Bà Thảo đánh giá, có thể nói từ năm 2019, nhất là từ năm 2020 đến nay, cải cách môi trường kinh doanh nói chung và ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh nói riêng có xu hướng chững lại. Điều kiện kinh doanh vẫn tạo nhiều rào cản, hạn chế về quyền tự do kinh doanh, ẩn chứa rủi ro, và tạo gánh nặng chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng chỉ ra rằng doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh, làm gia tăng các chi phí đối với doanh nghiệp. Do đó, cần nhiều nỗ lực cải cách và tâm huyết của các cơ quan quản lý nhà nước để tháo gỡ điểm nghẽn này; đồng thời thay đổi tư duy cải cách theo hướng tạo lập thể chế minh bạch, thuận lợi và thúc đẩy tuân thủ của doanh nghiệp.

Theo đó, bà Thảo kiến nghị đối với các điều kiện kinh doanh nếu nhận diện là không hợp pháp (quy định tại các văn bản dưới Nghị định); hoặc không cần thiết, không khả thi, không dựa trên cơ sở khoa học rõ ràng; hoặc có thể thay bằng biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn thì kiến nghị bãi bỏ.

Đối với các điều kiện kinh doanh không phù hợp với thực tiễn hoặc can thiệp sâu vào hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp thì kiến nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi theo hướng đơn giản hóa, giảm chi phí tuân thủ và đảm bảo không can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp.

Đối với các điều kiện kinh doanh được quy định chung chung, không rõ ràng, thiếu cụ thể, thiếu tính minh định thì kiến nghị sửa đổi để đảm bảo điều kiện kinh doanh phải cụ thể, minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu và khả thi. Trong trường hợp không xác định được các điều kiện, tiêu chí cụ thể, minh bạch thì kiến nghị bãi bỏ điều kiện kinh doanh này.

Đồng thời, bà Thảo kiến nghị các bộ, ngành rà soát, bãi bỏ các chứng chỉ không cần thiết; thu gọn các loại chứng chỉ có trùng lặp về nội dung để tránh lãng phí chi phí của xã hội. Thực hiện phân cấp việc đào tạo, sát hạch và cấp chứng chỉ; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động này.

Nhật Linh