Doanh nghiệp lao đao, ngân hàng vẫn lãi lớn

Thu nhập lãi thuần của 16 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2021 tăng hơn 41%, đóng góp tới 75% cho tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng trong quý này.

Báo Giao thông dẫn lời ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho hay, một trong những guyên nhân thu nhập lãi thuần có được kết quả trên là nhờ biên lãi ròng mở rộng thêm 28%, lên con số 4,8%.

Một điểm ông Nam chỉ ra là tăng trưởng tiền gửi có kỳ hạn và gửi tiết kiệm của các ngân hàng này không nhiều, nhưng tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn (còn được gọi là vốn rẻ) ở hầu hết các ngân hàng đều tăng, tính trung bình là tăng 23%, góp phần làm giảm chi phi huy động của ngân hàng hơn 7,6%.

Cấu trúc tiền gửi thay đổi cũng giúp kéo rộng chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay.

Một số thống kê cho thấy ở một số ngân hàng đẩy mạnh bán lẻ, nhất là ở lĩnh vực cho vay tiêu dùng, vay tín chấp thì chênh lệch này lên tới hơn 8%.

Bất chấp đại dịch, nhiều ngân hàng vẫn thu lợi nhuận cao. Ảnh minh họa

Quý II vừa qua, Viet Capital Bank vươn lên trở thành ngân hàng đứng đầu về tăng trưởng lợi nhuận trước thuế nhờ thu nhập lãi thuần tăng mạnh 99,4%.

Cụ thể, thu nhập lãi và các khoản tương tự của ngân hàng quý này tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chi phí lãi lại giảm gần 9%. Do đó, đẩy thu nhập lãi thuần quý II/2021 đạt hơn 413 tỷ đồng, chiếm 82,8% tổng thu nhập hoạt động.

Bên cạnh đó, nguồn thu ngoài lãi như lãi từ dịch vụ tăng 71%, từ mua bán chứng khoán đầu tư gấp 3,7 lần, từ hoạt động khác tăng 41% nên dù mạnh tay trích lập dự phòng thì ngân hàng này vẫn báo lãi trước thuế gấp 13,6 lần cùng kỳ năm trước.

Quý II/2021, thu nhập từ lãi của MB cũng tăng 23,6%, trong khi chi phí lãi giảm 3%, đẩy thu nhập lãi thuần tăng 42% so với cùng kỳ. Lãi từ tín dụng quý này của MB chiếm tới 74% tổng thu nhập hoạt động.

Một ngân hàng quy mô nhỏ hơn là ABBank cũng có thu nhập lãi thuần tăng 33,3% so với cùng kỳ, góp phần lớn đưa lợi nhuận của ABBank quý II/2021 tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái…

Ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, 6 tháng đầu năm 2021, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất, đặc biệt là lãi suất tiền gửi xuống rất thấp, nhưng lãi suất cho vay thì giảm chưa nhiều, nên chênh lệnh giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay còn khá cao.

Năm 2020 và những tháng đầu năm nay, nhiều ngân hàng vẫn lãi cao nên có luồng dư luận cho rằng trong bối cảnh doanh nghiệp “khóc ròng”, ngân hàng vẫn lãi khủng.

“Ngân hàng cũng không bỏ túi số lãi đó, mà phải tăng dự phòng cho nợ xấu, để đảm bảo an toàn hệ thống. Nhưng nếu doanh nghiệp vẫn không được hưởng lãi suất thấp, vẫn khó khăn thì nợ xấu càng tăng”, ông Cường nói.

Điều này cũng đã được Tổng cục Thuế ghi nhận trong báo cáo thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong 7 tháng đầu năm.

Theo Tổng cục Thuế, thu NSNN trong 7 tháng đầu năm đạt khá chủ yếu do tình hình kinh tế hồi phục từ những tháng cuối năm 2020 duy trì cho đến nửa đầu năm 2021 và tăng thu đột biến từ một số nguồn thu do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ mà Chính phủ đã triển khai thực hiện trong năm 2020, trong đó một số ngành tăng trưởng khá như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô...

Trong đó, khối các ngân hàng thương mại, tăng trưởng tín dụng và huy động vốn năm 2020 đạt khá, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi ở mức cao, đồng thời, các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ (dịch vụ ngân hàng số, thanh toán, ngân quỹ, ủy thác, tư vấn…), cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro... đã góp phần tăng lợi nhuận của khối ngân hàng thương mại dẫn đến số thuế TNDN quý IV và nộp sau quyết toán của các ngân hàng tăng cao, lũy kế 7 tháng đầu năm tăng khoảng 72,9% so với cùng kỳ tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 67,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 942,6 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 484,3 nghìn lao động, tăng 8,1% về số doanh nghiệp, tăng 34,3% về vốn đăng ký và giảm 4,5% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.152,5 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 23,7 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2021 là 2.095,1 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn có 26,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 93,2 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có 15,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%.

Trung bình mỗi tháng có 11,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Minh Thái (Tổng hợp)