Doanh nghiệp niêm yết lãi lớn bất chấp đại dịch

Tháng 7 khởi đầu cho mùa công bố kết quả kinh doanh bán niên. Đây là thông tin được giới đầu tư quan tâm và là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự vận động của thị trường chứng khoán. Nhiều công ty có triển vọng kinh doanh cao đang thu hút dòng tiền và giúp giá cổ phiếu tăng mạnh.

Theo đánh giá của SSI Research, tăng trưởng điểm số của VN-Index đã đưa định giá P/E thị trường lên 19,35 lần (ngày 2/7). Nhóm chuyên gia cho rằng định giá này phản ánh một phần mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực của doanh nghiệp trong quý II và nửa đầu năm.

‘Lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tăng 2 con số’

Đối mặt nhiều thách thức từ đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang có những tín hiệu tích cực. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, là mức khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ngân hàng UOB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 có thể sẽ đạt 6,7% nhờ hoạt động xuất khẩu tăng mạnh, dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào và lạm phát ổn định. Mức dự báo này cao hơn so với chỉ tiêu chính thức 6%-6,5% của Chính phủ Việt Nam.

Thực tế, khối doanh nghiệp cũng đang cho thấy những kết quả khả quan. Lợi nhuận ròng quý đầu năm của các công ty trên sàn chứng khoán tăng gần 90% so với cùng kỳ do mức nền thấp của quý I/2020. Lợi nhuận này vẫn cao hơn 57% so với mức trước đại dịch, tức quý I/2019.

Dự phóng tăng trưởng lợi nhuận các ngành năm 2021-2022. Nguồn: VNDirect.

Theo Chứng khoán Mirae Asset, kết quả kinh doanh quý II sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh nhưng mức tăng trưởng chung vẫn sẽ rất ấn tượng do so sánh với mức nền thấp của cùng kỳ. Nhóm chuyên gia kỳ vọng tiêu dùng và thương mại toàn cầu sẽ hồi phục, do đó điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng EPS (lãi ròng trên mỗi cổ phiếu) năm 2021 của toàn thị trường chứng khoán lên 33,8% từ mức 28% trước đây.

Chứng khoán VNDirect tương tự cũng nâng dự báo tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp niêm yết trong năm này từ 23% trước đó lên mức 30%. Chỉ tiêu EPS là tăng trưởng lợi nhuận đã bỏ qua yếu tố tăng vốn.

Nhóm phân tích KBSV tin rằng đà tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục duy trì trong 3 quý cuối năm nhờ dịch Covid-19 chưa vượt tầm kiểm soát, hoạt động xuất khẩu tăng trưởng mạnh và mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp. Đơn vị này dự báo tăng trưởng EPS khối doanh nghiệp sàn HoSE năm nay đạt 13%.

Chứng khoán Rồng Việt duy trì quan điểm tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE sẽ đạt mức 10-20% trong năm 2021. Cổ phiếu nhóm chứng khoán, tiêu dùng, tiện ích sẽ đóng góp tốt lên cho thị trường chung nhờ triển vọng kinh doanh quý II tương đối tích cực. Trong khi nhóm phân tích thận trọng với các tác động tiêu cực của dịch bệnh lên nhóm du lịch, giải trí và bán lẻ.

Dòng tiền đón đầu các ngành hưởng lợi

Cổ phiếu ngân hàng đang là nhóm hút dòng tiền lớn với thanh khoản luôn ở top đầu thị trường. Có 24/25 cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong nửa đầu năm, một số cổ phiếu thậm chí có mức tăng bằng lần như SSB, LPB, VIB và VPB.

Động lực tăng giá của cổ phiếu ngân hàng một phần đến từ dự báo lợi nhuận tăng trưởng cao. VietinBank (CTG) ước tính lợi nhuận nửa đầu năm tăng 75% so với cùng kỳ, đạt 13.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng lên mức 1,38% và dự kiến sẽ giảm về 1-1,2% vào cuối năm.

Bộ phận phân tích Chứng khoán Rồng Việt ước tính Techcombank (TCB) có thể đạt lợi nhuận hơn 11.000 tỷ đồng, tăng 65% so với nửa đầu năm 2020. Ngân hàng này cũng được kỳ vọng được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng mới 20%.

Ngân hàng MSB ước lợi nhuận đầu năm có thể đạt khoảng 2.800 tỷ đồng, gấp hơn ba lần so với cùng kỳ năm trước và thực hiện 85% kế hoạch năm. LienVietPostBank tiết lộ kết quả kinh doanh 5 tháng với lợi nhuận trước thuế khoảng 1.700 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ.

Nhiều cổ phiếu chứng khoán cũng tăng giá bằng lần từ đầu năm như MBS, VDS, APS, FTS… và là nhóm có thanh khoản top đầu nhờ sự bùng nổ của thị trường chung. Số lượng nhà đầu tư mới cao kỷ lục góp phần đẩy thanh khoản chứng khoán lên mức tỷ USD/phiên.

Công ty chứng khoán hưởng lợi lớn nhất từ sự bùng nổ này, nhờ các nguồn thu chủ lực từ phí môi giới, lãi từ cho vay ký quỹ (margin) và các hoạt động tự doanh. Bên cạnh đó còn thêm các nguồn từ phí tư vấn cấu trúc M&A, deal…

Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) uớc tính lợi nhuận trước thuế đạt trên 600 tỷ đồng sau nửa năm, tăng hơn 80% so với cùng kỳ. Agriseco dự kiến lãi trước thuế đạt trong khoảng 160 tỷ đồng, gấp đến hơn 3 lần cùng kỳ và đã vượt kế hoạch năm. Chứng khoán VIX có thể đạt 500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp khoảng 8,5 lần cùng kỳ.

Cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán tăng vượt trội so với thị trường chung. Đồ thị TradingView.

Một số ngành khác được dự báo có kết quả kinh doanh khả quan cũng thu hút được dòng tiền gần đây như nhóm công ty dầu khí, phân bón, cảng biển hay cổ phiếu hàng hóa như ngành than, ngành đường… qua đó giúp các cổ phiếu tăng mạnh thời gian qua.

Doanh nghiệp dầu khí đang có triển vọng lớn nhờ giá dầu thô Brent tăng mạnh từ khoảng 50 USD/thùng đầu năm lên quanh 77 USD/thùng như hiện nay. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông báo doanh thu 5 tháng đầu năm tăng 16% lên 227.300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gấp hơn 3 lần cùng kỳ đạt 15.300 tỷ đồng.

Doanh nghiệp phân bón cũng tạo được sức hút khi đang hưởng lợi nhờ các hoạt động nông nghiệp được đẩy mạnh và giá các loại phân bón (như DAP, Urê, Kali) tăng bất thường. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam báo cáo doanh thu 5 tháng đầu năm tăng trưởng 33% lên 20.851 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế (không tính các đơn vị thuộc đề án 1468) tăng gần 59% lên 766 tỷ đồng.

Các công ty sắt thép đang công ty những thông tin rất tích cực từ đầu năm. SSI Research ước tính lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát (HPG) sẽ tăng gấp rưỡi trong quý II đạt 9.700 tỷ đồng. Trong khi Tập đoàn Hoa Sen (HSG) công bố lợi nhuận tháng 5 cao kỷ lục 602 tỷ đồng và lợi nhuận lũy kế 8 tháng liên tiếp đạt 2.810 tỷ đồng, vượt 87% kế hoạch năm.

Cảng biển được xem là một ngành chịu ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch khi giao thương toàn cầu bị chững lại. Tuy nhiên, các đơn vị trong ngành lại bất ngờ hưởng lợi từ việc giá cước vận tải và giá dịch vụ tăng lên gần đây. Lãnh đạo Gemadept (GMD) ước tính doanh thu nửa đầu năm tăng trưởng 19% lên 1.439 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế có thể tăng 38% đạt 388 tỷ đồng.

Hàng không vẫn gặp khó

Bên cạnh những doanh nghiệp hưởng lợi, thị trường cũng có không ít đơn vị vẫn gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh như hàng không, vận tải và các ngành có xuất khẩu... Trong đó các công ty ngành hàng không và du lịch là bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Vietnam Airlines dự kiến lỗ đến 10.000 tỷ đồng nửa đầu năm.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư dự báo hoạt động vận tải hàng không sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm nay và phải đến 2024 thì hoạt động của ngành mới phục hồi như trước. Đặc biệt Vietnam Airlines dự kiến khoản lỗ lên tới 10.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn với số nợ phải trả quá hạn tới 6.240 tỷ đồng.

Các hãng tư nhân như Bamboo Airways và Vietjet cũng đang dần hết nguồn lực về tài chính. Hiệp hội Doanh nghiệp Vận tải Hàng không Việt Nam dẫn số liệu tổng nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay trên là khoảng 36.000 tỷ đồng.

Hay như nhóm ngành xuất khẩu thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn khi tình trạng xuất khẩu đường thủy chững lại do dịch Covid-19 và giá thuê tàu tăng đột biến. Hầu hết lợi nhuận quý đầu năm của các doanh nghiệp lớn như Vĩnh Hoàn, Minh Phú, Sao Ta, Navico… đều giảm sâu so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, hoạt động các công ty thủy sản được dự báo khả quan hơn trong quý II khi giao thương dần hồi phục và giá bán được cải thiện.

Huy Lê