Đổi mới, nâng cao vai trò xúc tiến của hiệp hội doanh nghiệp

Hiện cả nước ngoài Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI - đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tầm quốc gia), còn có khoảng hơn 400 hiệp hội doanh nghiệp cấp tỉnh và ngành hàng (bao gồm khoảng 20 hiệp hội doanh nghiệp FDI) thực hiện các chức năng đại diện và xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Hệ thống các tổ chức này, đã thực hiện tương đối tốt các chức năng góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học - công nghệ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước cũng như với nước ngoài.

Tuy nhiên, theo VCCI, đặc điểm của nền kinh tế thị trường là nền kinh tế hàng hóa, công tác xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, cần phải hướng vào các sản phẩm hàng hóa cụ thể, các giải pháp bán hàng và dòng tiền… Trong khi đó, hoạt động này của các tổ chức đại diện và hiệp hội doanh nghiệp, vẫn thường đi theo mô hình cũ dựa trên những số liệu thống kê về GDP của các khu vực doanh nghiệp (tùy từng ngành, lĩnh vực) nên thiếu tính hiệu quả.

Trong 3 khu vực doanh nghiêp trọng điểm của nền kinh tế hiện nay (sản xuất và công nghiệp; thương mại; ngân hàng), thì khu vực doanh nghiệp sản xuất và công nghiệp, hiện tập trung đông các hiệp hội ngành nghề cấp trung ương, địa phương hoạt động. Nhưng theo đánh giá của VCCI, thì đây là khu vực yếu nhất trong hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Ngay cả việc tham gia xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn cho sản phẩm “Made in Vietnam” đến nay cũng vẫn chưa tạo ra được sự thống nhất, làm hạn chế việc xúc tiến thương mại, dẫn đến có sự cạnh tranh không lành mạnh.

Ảnh minh họa

Hay đối với khu vực hoạt động thương mại, hiện VCCI và một số hiệp hội doanh nghiệp cũng như các phòng thương mại khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là các tổ chức chính đóng vai trò thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư ở Việt Nam. Tuy nhiên, VCCI cũng thừa nhận, công tác xúc tiến thương mại, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển của khu vực này, cũng còn thiếu tập trung, chưa phát huy hiệu quả cao, nhất là các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam, là một nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế, có độ mở thuộc diện cao nhất trên thế giới.

Đối với khu vực ngân hàng, hiện nay, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam hoạt động như một diễn đàn cho các ngân hàng thương mại, chủ yếu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và bí quyết hoạt động ngân hàng, đóng vai trò là một liên kết giữa khu vực ngân hàng thương mại với Chính phủ. Các hoạt động xúc tiến, thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp sản xuất, công nghiệp, thương mại gần như không có, trong khi mối quan hệ đối tác, khách hàng giữa ngân hàng thương mại và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… gần như là cộng sinh.

Trong tầm nhìn 2045 trở thành một nước phát triển có thu nhập cao, một trong những quyết sách quan trọng Đảng, Nhà nước đã định hướng, đó là hoàn thiện đồng bộ thể chế, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các chuyên gia của VCCI, cho rằng, quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường này, cần có một sự đột phá để thúc đẩy đổi mới mô hình, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đầu tư, phát triển doanh nghiệp của hệ thống các tổ chức đại diện, hiệp hội doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, cần tập hợp và xây dựng một tổ chức quốc gia đại diện cho các doanh nghiệp khu vực sản xuất, công nghiệp, có vai trò thúc đẩy và hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, phát triển công nghiệp 4.0, vì sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế đất nước. Đồng thời, xây dựng được mô hình tổ chức trung tâm của khu vực doanh nghiệp thương mại nhằm thúc đẩy marketing, bán hàng ở trong và ngoài nước. Đối với khu vực ngân hàng, cần tăng cường hoạt động của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và thương mại… đầu tư phát triển.

Ngọc Quỳnh