Dow Jones lập kỷ lục mới, giá dầu tăng mạnh dù OPEC+ nâng sản lượng, Bitcoin vẫn đi xuống

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE - Ảnh: Getty.

Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba (4/1) với kết quả trái chiều của các chỉ số: Dow Jones thiết lập kỷ lục mới trong khi S&P 500 và Nasdaq giảm. Giá dầu giữ đà tăng dù OPEC+ nâng sản lượng trong lúc số ca nhiễm Covid-19 tăng chóng mặt. Giá Bitcoin duy trì xu hướng giảm nhỏ giọt.

Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 214,59 điểm, tương đương tăng 0,59%, đạt mức cao chưa từng thấy 36.799,65 điểm. S&P 500 giảm 0,06%, còn 4.973,54 điểm. Trước đó, cả hai chỉ số này cùng lập kỷ lục đóng cửa trong phiên ngày thứ Hai.

Mức giảm mạnh nhất phiên này thuộc về Nasdaq, do cổ phiếu công nghệ chịu áp lực bán mạnh khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ liên tục leo thang trong những phiên gần đây. Nasdaq chốt phiên với mức giảm 1,33%, còn 15.622,72 điểm. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc lên tới 1,71% trong phiên này.

Sau khi tăng mạnh trong phiên đầu tuần, các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn đồng loạt “đỏ” trong phiên này, khi nhà đầu tư đánh giá lại về giá trị của những cổ phiếu này trong bối cảnh lãi suất tăng – nhà quản lý quỹ Chris Hussey của Goldman Sachs nhận định. Lãi suất tăng thường ảnh hưởng bất lợi đến các cổ phiếu có mức tăng trưởng lớn, bởi tác động đến dòng tiền tương lai của doanh nghiệp.

Cổ phiếu Apple giảm gần 1,3%; Google giảm 0,4%; Microsoft mất 1,7%; Apple giảm 1,3%; và Facebook trượt 0,6%.

Khi lãi suất trở lại tâm điểm chú ý, nhà đầu tư chờ biên bản cuộc họp tháng 12 của Fed dự kiến công bố trong ngày thứ Tư (5/1). Trong cuộc họp đó, Fed đã tuyên bố đẩy nhanh tốc độ cắt giảm chương trình mua tài sản và dự kiến nâng lãi suất 3 lần trong năm 2022.

“Fed đang đẩy nhanh việc hút bớt thanh khoản khỏi nền kinh tế vì lạm phát đang tăng trên diện rộng. Điều này có thể đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lên cao hơn. Tuy nhiên, Fed cũng cần thận trọng, không nên làm mạnh quá vì như thế sẽ gây trệch hướng phục hồi kinh tế và có thể gây ra suy thoái”, chiến lược gia lãi suất cấp cao Ed Al-Hussainy thuộc Columbia Threadneedle phát biểu.

Nhiều chiến lược gia ở Phố Wall dự báo con đường của chứng khoán Mỹ trong thời gian tới sẽ gập ghềnh hơn, khi Fed thắt chặt chính sách. Theo một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, các chiến lược gia đặt ra mục tiêu bình quân cho chỉ số S&P 500 trong năm nay là tăng 5%, so với mức tăng 27% mà chỉ số này đạt được trong năm ngoái.

Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London chốt phiên tăng 1,02 USD/thùng, tương đương tăng 1,3%, đạt 80 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 11. Ở mức giá này, dầu Brent đã trở lại gần ngưỡng giá của hôm 26/11 – thời điểm xuất hiện những thông tin đầu tiên về biến chủng Omicron. Khi đó, giá dầu Brent đã “bốc hơi” hơn 10% chỉ trong 1 phiên.

Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,91 USD/thùng, tương đương tăng 1,2%, chốt ở 76,99 USD/thùng.

“Thị trường dầu ngày hôm nay lạc quan về kết quả cuộc họp của OPEC+, nhờ đó giá dầu tăng cao hơn”, nhà phân tích Bjorna Tonhaugen của Rystad Energy phát biểu.

OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đối tác ngoài khối gồm Nga, giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng khai thác dầu 400.000 thùng/ngày mỗi tháng trong tháng 2. Quyết định này của OPEC+ phản ánh các nước sản xuất dầu không còn lo lắng nhiều về nguy cơ thừa cung dầu trong quý 1 năm nay, nhờ đó giống như một “lá phiếu” niềm tin về nhu cầu tiêu thụ năng lượng của thế giới.

Ngoài ra, thị trường cũng lạc quan khi dữ liệu đến thời điểm hiện tại cho thấy dường như biến chủng Omicron không nguy hiểm bằng các biến chủng trước của Covid-19, cho dù số lượng ca nhiễm tăng chóng mặt ở nhiều quốc gia. Mỹ đã lập kỷ lục thế giới khi ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm Covid mỗi ngày vào ngày 3/1.

“Có vẻ như thị trường đang đặt cược rằng Omicron là sự khởi đầu cho hồi kết của Covid-19”, chuyên gia Scott Shelton thuộc United ICAP nhận định.

Tại Anh, đa số bệnh nhân Covid-19 đang nằm viện có triệu chứng ít nghiêm trọng hơn trước kia. Chính phủ Pháp tuyên bố làn sóng Covid hiện nay có vẻ không gây tê liệt nền kinh tế và giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế 4% cho năm 2022. Các chỉ số cũng cho thấy hoạt động sản xuất trên toàn cầu duy trì mạnh trong tháng 12, cho thấy tác động của Omciron đối với sản lượng kinh tế không lớn.

Do thiếu chất xúc tác mới, giá Bitcoin vẫn đang duy trì xu hướng giảm từ cuối năm ngoái, tuy mức giảm không lớn. Lúc hơn 7h sáng nay (5/1) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở mức hơn 45.900 USD, giảm hơn 1% so với trước đó 24 tiếng.

Bình Minh -