Dự báo chu kỳ giảm giá thủy sản tới hết nửa đầu năm 2024, VASEP gửi 8 kiến nghị tới Thủ tướng

ệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có báo cáo Chính phủ về kết quả sản xuất, xuất khẩu thủy sản 2023 - cơ hội, thách thức trong 2024 và các kiến nghị giải pháp củng cố, gia tăng năng lực cạnh tranh ngành hàng.

Chu kỳ giảm giá nhiều loài thủy sản có thể vẫn tiếp diễn ít nhất tới hết nửa đầu năm 2024.

Đến cuối 2023, VASEP cho biết có 318 doanh nghiệp thành viên trên toàn quốc, tổng kim ngạch xuất khẩu của các thành viên chiếm 80 – 83% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm của cả nước.

Năm 2023 do lạm phát cao, nhu cầu giảm, tồn kho lớn, giá xuất khẩu giảm và những khó khăn, bất cập trong sản xuất kinh doanh trong nước khiến kết quả xuất khẩu thủy sản năm 2023 giảm 17% so với năm 2022, chỉ đạt 9 tỷ USD.

VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần trong năm 2024 và khả quan hơn vào nửa cuối năm. Với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường, dự báo kim ngạch XK của ngành hồi phục trở lại mức 9,5 tỷ USD – 10 tỷ USD năm 2024. Trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng hải sản khai thác dự báo thu về khoảng 3,6 – 3,8 tỷ USD.

Cũng theo VASEP, lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản. Chu kỳ giảm giá nhiều loài thủy sản có thể vẫn tiếp diễn ít nhất tới hết nửa đầu năm 2024.

Thêm vào đó, chi phí lớn và tăng cao của thức ăn - thách thức lớn cho ngành nuôi tôm và cá tra. Trong đó, tôm Việt Nam tiếp tục cạnh tranh với , Ấn Độ về giá và nguồn cung, tình trạng dư cung có thể vẫn tiếp diễn tới ít nhất nửa đầu năm 2024 (Sản lượng tôm thế giới năm 2024 sẽ tăng 4,8% lên 5,9 triệu tấn). Ecuador và Ấn Độ đang tăng thị phần cả ở Mỹ, Trung Quốc, EU và Nhật Bản và tăng xuất khẩu tôm chế biến dù tỷ trọng còn khiêm tốn...

Đối với hải sản, thẻ vàng IUU tiếp tục là thách thức, nếu không tháo gỡ được trong năm 2024. Điều này sẽ khiến xuất khẩu sang EU đình trệ vì thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập vì các yếu tố nguồn lực, nhân lực và cơ sở hạ tầng không đáp ứng. Những ngành hàng như cá ngừ, mực, bạch tuộc và cá biển bị ảnh hưởng nhiều nhất. Về tiêu thụ, nhu cầu thị trường tập trung vào các phân khúc hàng giá rẻ hơn như cá hộp, cá nguyên liệu để chế biến cá hộp, cá khô, tép khô.

Bên cạnh đó, xung đột Nga – Ukraine, và gần đây nhất là giao tranh ở Trung Đông làm xáo trộn thương mại toàn cầu trong đó có thủy sản. Một trong những hệ lụy là chi phí vận tải biển tăng cao đáng kể bắt đầu từ tháng 01/2024 - đặc biệt là cước tàu đi EU, Mỹ và Canada...

Trước tình hình trên, VASEP báo cáo và đề xuất Thủ tướng 8 kiến nghị nhằm củng cố và tăng năng lực cạnh tranh cho ngành thủy sản.

Theo đó, VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT hỗ trợ tích cực trong vụ điều tra chống trợ cấp của Mỹ đối với ngành Tôm Việt Nam, để ngành tôm có thể vượt qua các giai đoạn điều tra trong thời gian tới.

Kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương quan tâm, chỉ đạo việc xem xét bãi bỏ hạn ngạch đối với Tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại VKFTA tại kỳ rà soát trong năm 2024.

Từ thực trạng giá thức ăn nuôi trồng thủy sản đang cao, là nhân tố chính khiến sản phẩm thủy sản nuôi của Việt Nam đang rất khó cạnh tranh với các quốc gia khác, VASEP kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chính sách kiểm soát giá thức ăn nhằm ổn định giá thành nguyên liệu, tăng sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam. Cụ thể là: giảm thuế NK bã đậu nành để sản xuất thức ăn cho cá xuống 0% và tính điện một giá cho cơ sở nuôi tôm...

Cuối cùng, Hiệp hội kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT quan tâm chỉ đạo 02 việc quan trọng: Thiết lập hệ thống dữ liệu đầu vào nguyên liệu, liên thông từ cảng cá đến trung ương và có kế hoạch xây dựng chợ đấu giá hải sản. Vì đây là cơ sở hạ tầng để làm tiền đề cho phát triển nghề cá bền vững và kinh tế biển.

Thy Lê