Dư địa và động lực cho nền kinh tế

Dư địa và động lực cho nền kinh tế

QUỐC BÌNH

Thứ Ba, 10-08-2021, 13:15

+ | Print

Dự kiến tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo 5 năm tới đạt hơn 25% GDP. Ảnh: SONG ANH

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu” vừa được Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố mới đây nhận định, so một năm trước đây khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trên toàn thế giới thì tương lai kinh tế đã bớt bất định hơn nhờ kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh và việc triển khai tiêm vaccine ở nhiều nước lớn trên thế giới. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế thế giới vẫn phụ thuộc khả năng kiểm soát dịch bệnh trên quy mô toàn cầu, mà điều này khó có thể xảy ra trong vòng một năm tới.

Báo cáo nêu, động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục đến từ xuất khẩu (XK) và đầu tư công. Với việc dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ vào Việt Nam thì XK của khu vực này vẫn đóng vai trò quan trọng bậc nhất cho tăng trưởng của nền kinh tế trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, tốc độ tăng XK sẽ phụ thuộc nhiều vào sự hồi phục của kinh tế thế giới và XK của những mặt hàng truyền thống vốn chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm qua.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội (QH) khóa XV, QH đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 (Kế hoạch). Trong đó đặt ra các chỉ tiêu: Dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%; đóng góp của TFP (năng suất các nhân tố tổng hợp) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt hơn 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP... Với các chỉ tiêu này, các đại biểu QH nhấn mạnh, trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, có nhiều chỉ tiêu đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu cao mới có thể hoàn thành.

Theo PGS, TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, một số chỉ tiêu có thể đạt được vì thực tế chúng ta cũng đã và đang trên đường tiến sát đến các mốc đặt ra. Thí dụ, đóng góp của TFP vào tăng trưởng thực tế đã đạt hơn 45%; năng suất lao động tăng 5,8% giai đoạn 2016 - 2020 hay GDP bình quân đầu người hiện cũng đã ở mức hơn 3.400 USD… Tuy nhiên, vấn đề là những cải thiện về “chất”, đó là dựa nhiều hơn vào công nghệ, giá trị gia tăng và chất lượng nguồn nhân lực, vẫn rất cần được chú ý trong các chỉ tiêu đó và cần tính tới các yếu tố tác động khách quan khác, đặc biệt là đại dịch Covid-19.

Với mục tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn 5 năm tới, PGS, TS Bùi Quang Tuấn cho rằng đây là mục tiêu “rất thách thức”. Bởi diễn biến và các tác động của dịch bệnh còn tiếp tục phức tạp, kéo dài ít nhất là đến giữa năm 2022, khiến tăng trưởng bị ảnh hưởng và đã mất một phần ba quãng đường của Kế hoạch 5 năm rồi. Như thế thì rất khó đạt được mục tiêu bình quân của cả giai đoạn nếu vẫn chỉ duy trì các động lực và cách làm bình thường để đưa nền kinh tế trở về quỹ đạo tăng trưởng cũ 6,8% như của thời kỳ 2016 - 2019. Nói như vậy không có nghĩa là không có dư địa và các động lực để đưa nền kinh tế bật dậy mạnh mẽ hơn. Mặc dù tăng trưởng có thể bị thấp đi trong năm nay, nhưng chính trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay càng cần phải có những giải pháp đột phá để làm sao tạo ra được quỹ đạo tăng trưởng cao hơn (hơn 7%) trong những năm tiếp theo.

Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, TS Phạm Sỹ An thì cho rằng, về cơ bản các chỉ tiêu chính đặt ra như vậy là vừa phải, không quá khó và khả năng đạt được cao. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân đặt ra như vậy là khả thi. Kế hoạch cũng đặt ra các mục tiêu rất cụ thể như tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo và kinh tế số trong GDP, chứ không còn chung chung, nếu nỗ lực và quyết tâm cao, chúng ta sẽ đạt được.

Trên thực tế các động lực tăng trưởng vẫn có, từ xuất khẩu, thu hút FDI, đầu tư công đến tiêu dùng trong nước. Đặc biệt những động lực tăng trưởng mới, nhất là kinh tế số nếu tận dụng được, coi đó là những đột phá sẽ giúp tạo ra quỹ đạo tăng trưởng cao hơn.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bối cảnh hiện nay cần tư duy khác biệt so điều kiện bình thường trước đây, để từ đó có những biện pháp đột phá, cách làm quyết liệt và mạnh mẽ giúp nền kinh tế sớm lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng cao hơn. Việc QH tại kỳ họp vừa qua đã đưa vào Nghị quyết với nội dung cho phép Chính phủ chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp để tăng cường phòng, chống dịch Covid-19. Đây chính là biểu hiện rõ nét cho thấy sự thay đổi tư duy, theo đó bối cảnh đặc biệt hiện nay cần phải có các chính sách, cơ chế và biện pháp khác biệt.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, bối cảnh tình hình nhiều khả năng sẽ có sự thay đổi nhanh chóng trong các năm của Kế hoạch 5 năm lần này. Nếu diễn biến tình hình khả quan lên đúng như dự kiến thì đó là điều rất tích cực, nhưng nếu kịch bản có chuyển biến xấu hơn thì cũng nằm trong dự đoán và sẽ được hóa giải bằng tâm thế chuẩn bị chủ động. Khi không quá bị áp lực về con số tăng trưởng cụ thể của mỗi năm như vậy, Chính phủ sẽ có dư địa và sự chủ động, linh hoạt trong điều hành và triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu ưu tiên cần đạt được.