Dừng lại để đi xa hơn

"Gap year" là khoảng thời gian một cá nhân gác lại chuyện học tập hay công việc nhằm nghỉ ngơi, khám phá bản thân hoặc hướng đến một mục tiêu khác. Giai đoạn này với một số người không đồng nghĩa là "xả hơi" hoàn toàn mà có thể nhằm chuẩn bị cho bước ngoặt mới.

Không ngại lối đi mới

Phạm Ngọc Tú Trinh (SN 2003) từng tạm dừng việc học sau khi trúng tuyển và theo học ngành kiểm toán tại một trường ở TP HCM khi nhận ra mình không hề phù hợp lĩnh vực ấy.

Ngọc Đức (ảnh trên) và Tú Trinh ngày càng mạnh mẽ, nỗ lực khi đã có định hướng rõ ràng về tương lai của mình

Trinh đã dùng 1 năm để du lịch khám phá đó đây, rèn luyện bút lực qua các bài viết trên trang cá nhân và trải nghiệm vài công việc bán thời gian, trong đó có vai trò dẫn chương trình. Cô gái gen Z này chú tâm kết nối với chính mình, để có sự chiêm nghiệm nghiêm túc, sâu sắc.

Khi còn là học sinh cấp III, Trinh thường được nhận xét là cô bé năng động, sáng tạo. Tuy nhiên, cô lại thiếu cân nhắc khi đăng ký nguyện vọng vào một ngành học mà mình không yêu thích vì ảnh hưởng từ xu hướng của bạn bè và người khác, cho rằng đó là ngành "hot".

Trinh đã quyết định khởi đầu lại hành trình lập thân, lập nghiệp bằng việc chuyển sang học ngành quan hệ công chúng. Cô cho biết: "Tôi nhờ "gap year" để cọ xát thực tế, tích lũy vốn sống, giúp nhận ra ưu điểm, khuyết điểm và đam mê thực thụ của mình. Tôi cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc thấu hiểu bản thân để có bước đi hợp lý, hiệu quả hơn về sau".

Trần Ngọc Đức (SN 1995, nghệ danh Byn) thì lại trải qua chặng đường 6 năm đi làm trước khi quay lại với giảng đường. Sau khi tốt nghiệp THPT, Đức chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng nên tạm gác chuyện nâng cao học vấn. Anh dấn thân ở nhiều công việc, từ phụ bếp, kinh doanh ẩm thực đến quản lý logistics. Hiện nay, anh là sinh viên năm cuối Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM.

Hiểu rõ bản thân và ngoại cảnh giúp Byn tự tin trên con đường hiện tại.

Lớn tuổi hơn so với các bạn cùng khóa và đã gián đoạn việc học khá lâu, điều đó ít nhiều đem lại thách thức cho Đức. Thế nhưng, anh không xem điều đó là rào cản mà tự nhủ mình càng phải nỗ lực hơn. Chính sự động viên, hỗ trợ từ thầy cô, đồng nghiệp và bạn học đã giúp anh vơi bớt âu lo.

"Vào đại học chậm hơn nhiều người không có nghĩa là chậm, là kém hơn mọi mặt. Đừng để tuổi tác ngăn cản việc nâng cấp chúng ta thành phiên bản tốt hơn. Không bao giờ là quá trễ khi trái tim vẫn còn đầy khao khát lớn mạnh" - Đức chiêm nghiệm.

Kiên trì, tự tin

Nhận được sự ủng hộ của gia đình khi học đại học song không tạo gánh nặng cho người thân, Đức quyết định gắn bó với công việc DJ.

Công việc này không chỉ đem lại thu nhập để trang trải việc học mà còn giúp Đức có những quan sát, học hỏi cách thức tổ chức các sự kiện giải trí, lễ hội và có dịp trò chuyện với nhiều người, nhất là du khách quốc tế. Ban ngày đi học, tối đến là anh bước vào môi trường nightlife (cuộc sống về đêm). Đức nhận ra mình trưởng thành hơn khi vừa học vừa làm và suy nghĩ thấu đáo trước mỗi hành động.

Trinh (thứ hai, từ phải qua) cùng các bạn giành chiến thắng trong cuộc thi của câu lạc bộ MC tại trường

Với Tú Trinh, rẽ hướng sang ngành học mới là quyết định mà cô vô cùng hài lòng. Dù mới là sinh viên năm 2, Trinh đã trở thành thực tập sinh marketing - PR tại một công ty phụ kiện điện thoại đến từ . Hoạt động tại đây tạo điều kiện cho cô tiếp cận thực tiễn ngành học, có cơ hội phát triển nhiều kỹ năng thiết thực cho sự nghiệp tương lai. Cô rèn luyện được tính tự lập, thậm chí bước đầu có thu nhập.

Nhớ lại thời điểm quyết định tạm hoãn việc học trước đây, Trinh phải đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều từ những người xung quanh. Trừ cha Trinh thì mọi thành viên trong gia đình đều cảm thấy lo lắng. Chính sự phát triển bản thân mỗi ngày một tốt hơn và tâm lý phấn chấn, đầy hy vọng của Trinh đã dần bồi đắp niềm tin, sự tự hào từ gia đình dành cho cô.

"Đôi khi bạn trẻ cần sống chậm hơn, thậm chí dừng lại, để lắng nghe tiếng nói nội tâm của mình. Khi đã xác định được hướng đi cụ thể thì hãy bền bỉ cố gắng hiện thực hóa mơ ước. Việc biết biểu đạt lòng biết ơn và tinh thần cầu thị chính là chìa khóa để bản thân tiến bộ hơn" - Trinh bộc bạch.

Bài và ảnh: Nguyễn Thị Thùy Liên