E ngại người từ xa về quê đón Tết

Đã gần một năm chưa về quê nhưng Tô Mai (28 tuổi, Hà Tĩnh), làm việc trong ngành truyền thông, cho biết cô dự định ở lại Hà Nội trong dịp Tết Dương lịch sắp tới.

“Dịch ở Hà Nội ngày càng phức tạp, mình sợ đi đường xa xong về có nguy cơ lây cho bố mẹ. Mình quyết định chờ tới Tết Âm lịch sẽ về sớm, cách ly đủ 7 ngày rồi đón Tết với cả nhà. Hơn nữa, hàng xóm ở quê mình giờ còn e ngại người từ các thành phố lớn về nên về như vậy cũng không vui cho đôi bên”, cô nói với Zing.

Vừa theo dõi tình hình, nhiều bạn trẻ vừa chuẩn bị tinh thần tiếp tục xa gia đình trong các dịp nghỉ lễ sắp tới. Ảnh: Thạch Thảo.

Mai còn nhớ dịp Tết Nguyên đán năm ngoái, người từ xa về quê bị trách móc “ở vùng dịch mà còn về”. Hay khi các tỉnh, thành phía Nam trở thành ổ dịch của cả nước, nhiều người lao động từ đó ồ ạt hồi hương, được cách ly tại trường học bỏ hoang nhưng người dân vẫn sợ lây lan virus.

“Tết năm ngoái chưa phủ vaccine nên nhiều người ở quê mình lo sợ, nhất là các cô, chú lớn tuổi. Giờ địa phương vẫn có ca nhiễm cộng đồng nên tâm lý đó vẫn khó thay đổi”, cô nói.

Cách nhà Mai khoảng 200 m có F0 nên bố mẹ động viên cô ở lại Hà Nội trong dịp lễ này, đợi dịch ổn hơn thì về. Cô mong tình hình sẽ tốt hơn trong dịp Tết Âm lịch vì cả năm đi làm xa nhà, ai cũng mong được về nghỉ ngơi, đoàn tụ người thân.

Tương tự Mai, nhiều người lăn tăn chuyện về quê trong dịp lễ vì lo cho sức khỏe của bản thân và gia đình, cũng như khả năng đối diện sự e ngại, xa cách của mọi người ở quê dành cho người trở về từ vùng dịch.

E ngại

Càng gần Tết Dương lịch, Kim Oanh (28 tuổi, Ninh Bình), nhân viên văn phòng, lại càng nhận được nhiều tin nhắn từ người bạn ở TP.HCM hỏi về quy định cách ly tại địa phương.

Theo Oanh, hiện tại, quy định được áp dụng tùy thuộc vào người đến/về Ninh Bình từ vùng cấp độ dịch nào, đã tiêm đủ mũi vaccine hay chưa.

“Bạn mình muốn về quê đón Tết lắm nhưng ngại quy định cách ly và khó thu xếp công việc nên đành thôi”, cô nói.

Oanh cho hay trước đây, vào các dịp lễ, Tết, cô sợ người từ vùng dịch đổ về quê vì có con nhỏ. Giờ cô thay đổi vì xác định sống chung với dịch. Tuy nhiên, theo Oanh, không ít cá nhân xung quanh cô, nhất là người lớn tuổi, vẫn có tâm lý e ngại.

“Bố mẹ chồng mình giờ đã lo Tết các chú ở Hà Nội về. Bác hàng xóm cũng không cho con ở vùng dịch về quê dù anh chị ấy gọi điện xin”, cô kể.

Nhiều người ở quê có tâm lý e ngại người về từ các thành phố lớn đang bùng dịch nghiêm trọng. Ảnh: Việt Linh.

Ở trường mẫu giáo của con trai Oanh, một phụ huynh bé lớp 5 tuổi dương tính với SARS-CoV-2. Riêng lớp đó được nghỉ, còn tất cả đi học bình thường. Thế nhưng, hầu hết cha mẹ đều sợ nên cho con nghỉ ở nhà, có lớp chỉ 3 bé đi học.

“Mọi người vẫn sợ và ngại tiếp xúc với người từ xa về. Ở quê mình, hầu hết người lớn đã được tiêm 2 mũi vaccine, học sinh cấp 2, 3 cũng vậy. Nhưng các bé mẫu giáo, cấp 1 chưa được tiêm nên phụ huynh có thể không lo cho mình mà sợ ảnh hưởng tới con cháu. Nhất là miền Bắc mùa này, trẻ em dễ bị bệnh mũi họng, ốm sốt nên mọi người càng lo lắng”, cô nói.

Theo Oanh, khó trách những cá nhân e ngại người từ xa về quê đón Tết bởi ai cũng có mong muốn bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

“Mẹ mình cũng nói bản thân không sao nhưng phải nghĩ cho ông bà đã già cả lại có bệnh nền tim mạch, tiểu đường. Chẳng may làm sao thì sẽ ân hận. Trước đây, có nhiều trường hợp ở quê mình cách ly xong về nhà mắc Covid-19 nên lây lan ra cộng đồng. Có nhà bố chạy xe đường dài về lây cho con, con đi học thêm lây cho cô giáo và các bạn. Nhiều người còn sợ và ám ảnh dịch cũng là điều dễ hiểu”, cô nói.

Chuẩn bị tâm lý ở lại

Đã chuẩn bị sẵn kế hoạch về thăm nhà trong dịp Tết Dương lịch sắp tới, Anh Tuấn (quê Ninh Bình) bất ngờ khi đọc được thông báo mới về quy định phòng dịch ở địa phương.

Theo công văn mới Tuấn đọc được vào 16/12, người về từ Hà Nội, cụ thể là quận Hoàng Mai như Tuấn nếu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn cần thêm xét nghiệm RT-PCR âm tính trong vòng 48 giờ, so với chỉ cần tự theo dõi tại nhà như trước.

Đăng status chia sẻ trên mạng xã hội, Tuấn nhận được nhiều bình luận than thở, hoang mang từ một số người bạn cùng quê cũng đang làm việc, học tập tại Hà Nội.

“Thông báo mới làm ảnh hưởng khá nhiều đến kế hoạch nghỉ Tết Dương lịch của mình. Xét nghiệm RT-PCR mất nhiều thời gian, chi phí cao hơn và phải sắp xếp thời gian đi xét nghiệm cho hợp lý nữa”, Tuấn nói.

Với tình hình hiện giờ, Tuấn bày tỏ đành chờ đợi, theo dõi thêm hoặc dồn đến Tết Âm lịch rồi về một thể.

“Hà Nội hiện là một trong những nơi có số ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày cao nhất nhì cả nước nên mình hiểu sự cẩn trọng trong công tác phòng dịch ở quê là cần thiết. Ngoài ra, nhà có người lớn tuổi, mình cũng phải dè chừng và cân nhắc nhiều khi quyết định về quê”.

Gần một năm qua, Tuấn ít khi được về quê vì các đợt dịch bùng phát. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh việc tự ý thức, khả năng đối diện sự e ngại, xa cách của mọi người ở quê dành cho những người trở về từ vùng dịch nghiêm trọng cũng là một lý do khác khiến Tuấn lăn tăn.

“Từ lúc nới lỏng giãn cách xã hội, mình từng về thăm nhà 1-2 lần. Lần đầu về, dù đã khai báo đầy đủ ở phường, được hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày nhưng một số người xung quanh, ví dụ như hàng xóm, thắc mắc ‘Sao ở Hà Nội về mà không cách ly, không phải xét nghiệm Covid-19?’. Bây giờ tình hình ở Hà Nội còn nghiêm trọng hơn, tâm lý đó trong mọi người là không tránh khỏi”.

Tương tự, Thanh Tùng (27 tuổi), nhân viên ngân hàng, dự đoán bản thân chỉ có khoảng 30% cơ hội về quê đón hai dịp Tết sắp tới cùng gia đình.

Quê ở Hải Dương, vào Vũng Tàu làm việc và lập gia đình, năm ngoái, Tùng đã không thể về nhà vì dịch bệnh. Năm nay, anh muốn cho con đầu lòng vừa được 9 tháng tuổi về thăm ông bà.

“Mấy hôm nay gọi điện về nhà hỏi, tôi nhận được thông tin người đi máy bay từ địa phương khác về phải thực hiện cách ly 14 ngày. Đợt nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới lại chỉ có 9 ngày, tôi và vợ đều không thể sắp xếp xin nghỉ sớm hơn. Vì vậy, nếu không có gì thay đổi, chúng tôi đành chuẩn bị tinh thần một năm nữa đón Tết xa quê vậy”, Tùng cho hay.

Thảo Thu