Giá dầu tăng mạnh khi tìm thấy động lực phi tiêu chuẩn

Giá dầu thô West Texas Middle (WTI) đã tăng hơn 2,6% trong phiên giao dịch hôm 22/1/2024, trong khi điều kiện kinh tế và mức sản xuất từ các nhà cung cấp lớn vẫn không thay đổi. Đây là mức tăng giá mạnh nhất trong vài tháng qua.

Các chuyên gia của tờ OilPrice cho rằng dầu thô đột nhiên tìm thấy những động lực phi kinh tế để tăng trưởng, vượt qua sự bế tắc hiện tại với những nỗ lực của tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Rõ ràng nếu những phương pháp cổ điển nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng thị trường không hiệu quả thì yếu tố chính trị sẽ ra tay giải cứu. Suy cho cùng, dầu mỏ ở khía cạnh nào đó là một mặt hàng chính trị.

Do vậy, căng thẳng ngày càng gia tăng ở hai khu vực xung đột trên hành tinh là Đông Âu cùng với Trung Đông đã lấn át mọi yếu tố cơ bản của quan hệ cung - cầu, gây áp lực lên giá thành.

Trong thời gian giao dịch, dầu WTI tăng 2,59% để được bán ở mức 75,31 USD/thùng (tăng 1,90 USD trong ngày), còn Brent tăng 1,90% để giao dịch ở mức 80,05 USD trong ngày (tăng 1,49 USD).

Những yếu tố làm giá dầu đi xuống một cách cơ bản như hiệu quả kinh tế toàn cầu chậm chạp, thiếu tăng trưởng nhu cầu... đã nhanh chóng được cân bằng bởi sự gia tăng cường độ cuộc chiến của Israel với Hamas.

Bên cạnh căng thẳng ở Trung Đông cũng như những bước đi leo thang mới trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, cùng với các nỗ lực vô ích của liên minh do Mỹ dẫn đầu nhằm trấn áp phiến quân Houthi ở Biển Đỏ đã buộc giá dầu phải tăng.

Tất cả những sự kiện và hoàn cảnh ở quy mô khu vực như vậy từng được cho là sẽ đóng vai trò thứ yếu trong việc xác định mức độ chi phí. Tuy nhiên bây giờ chúng đã nổi lên và đang tạo ra những kết quả rõ ràng.

Đồng thời nỗ lực phi thường của thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ dường như không được thị trường toàn cầu chú ý; giá cả không thay đổi dưới ảnh hưởng của họ, ngoại trừ việc có lẽ còn giảm hơn nữa.

Với dự báo tăng trưởng kinh tế vĩ mô của EU và Mỹ không mấy khả quan, các chuyên gia cho rằng dầu mỏ sẽ tiếp tục tạo ra những động lực tăng trưởng khác thường trong thời gian dài từ sự bất ổn chính trị này, điều kỳ lạ thay đó là lại mang tới lợi ích cho nền kinh tế hàng hóa.

Ở diễn biến khác, ngược với dầu thô, giá khí đốt trên lục địa châu Âu đã giảm xuống dưới 300 USD/1.000 mét khối, đây là mức thấp nhất ghi nhận được kể từ tháng 6 năm ngoái.

Sự sụt giảm giá năng lượng thiết yếu trên quy mô lớn như vậy phần lớn là do tác động từ cơn bão Isha, khiến nhiệt độ không khí ở châu Âu tăng lên và sức gió trở nên mạnh hơn nhiều.

Điều này dẫn đến sản lượng điện kỷ lục từ các "trang trại gió" ở châu Âu. Theo đánh giá từ giới chuyên gia, năng lượng gió đã đáp ứng tới 1/3 nhu cầu điện năng của Cựu lục địa.

Một yếu tố nữa cần nhắc đến là sự dồi dào của khí đốt trong các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất, những yếu tố trên kết hợp lại đang khiến giá khí đốt giảm mạnh và chưa có dấu hiệu sớm phục hồi.