Giá vàng sẽ giảm xuống dưới 57 triệu đồng/lượng tuần tới?

Cả thị trường vàng trong nước và thế giới đã khép lại tuần giao dịch đầu tháng 8 với xu hướng giảm sâu.

Trong đó, giá vàng thế giới ghi nhận 1 tuần giảm liên tiếp, đặc biệt, riêng phiên cuối tuần đã lấy mất 41 USD của giá vàng giao ngay, khiến kim loại quý đóng cửa tuần ở mức 1.763,1 USD/ounce. So với cuối tuần trước, giá vàng hiện thấp hơn 51 USD, tương đương mức giảm ròng 2,8%.

Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng cũng giảm sâu phiên cuối tuần hôm 7/8, đóng cửa ở mức 56,3 - 57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 300.000 đồng so với cuối tuần trước và mức thấp nhất kể từ tháng 7 đến nay.

Đáng chú ý, trong khi giá vàng thế giới giảm 2,8% tuần này, đà giảm của vàng trong nước mới tương đương khoảng 0,5%, điều này khiến chênh lệch giữa 2 thị trường bị nới rộng lên mức 8 triệu đồng/lượng.

Hiện giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt chỉ vào khoảng 49 triệu đồng/lượng.

Trong bối cảnh giá vàng thế giới được dự báo còn tiếp tục giảm sâu tuần tới (9-14/8), vàng trong nước khó có thể giữ được mốc 57 triệu đồng/lượng hiện nay, bất chấp việc các doanh nghiệp có xu hướng nới rộng chênh lệch giá 2 thị trường.

Giá vàng trong nước hiện đắt hơn thế giới tới 8 triệu đồng/lượng. Ảnh: Chí Hùng.

Cụ thể, sau khi giảm gần 51 USD tuần này do ảnh hưởng từ việc Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm và tỷ lệ thất nghiệp tháng 7 tốt hơn kỳ vọng, các chuyên gia cho rằng kim quý có thể mất thêm 30-50 USD/ounce, trước khi chứng kiến sự phục hồi.

Tuần này, báo cáo việc làm tháng 7 của Mỹ cho biết thị trường lao động đã có thêm 943.000 việc làm mới, cao hơn nhiều so với mức kỳ vọng 850.000 ban đầu. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp của nước này cũng giảm từ 5,9% xuống còn 5,4%, trong khi dự báo là 5,7%.

Theo ông Daniel Pavilonis, chuyên gia môi giới hàng hóa cao cấp của RJO Futures, các số liệu việc làm khả quan hơn đã tác động tích cực đến đồng USD, đẩy chỉ số đồng bạc xanh tăng lên cao hơn và gây phản ứng ngược lại đối với vàng.

Hiện tại, chỉ số USD Index đã tăng lên vùng cao nhất kể từ đầu năm, phổ biến ở mức 92,8 điểm và vẫn đang có nhiều trợ lực để tăng tiếp.

Ông Pavilonis cho rằng nếu chỉ số đo sức mạnh đồng USD có thể tăng lên mức 95 điểm, giá vàng sẽ quay trở về mức 1.673 USD/ounce, tương đương giảm 90 USD so với giá hiện tại. Tuy nhiên, vàng sẽ mất nhiều thời gian để giảm đến mốc giá này.

Còn theo ông Bart Melek, người đứng đầu chiến lược toàn cầu của TD Securities, giá vàng đang bước vào giai đoạn khó khăn và kim quý có thể giảm về mức 1.730 USD/ounce tuần tới với xu hướng hiện tại.

Ông Melek cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực bán lớn từ các nhà đầu tư khi dữ liệu về nền kinh tế đang phục hồi tích cực hơn. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng biến thể Delta của virus corona có thể gây tác động tiêu cực tới sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, qua đó lại trở thành trợ lực tăng giá cho kim loại quý.

Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của OANDA – ông Edward Moya – cho biết sau phiên bán tháo mạnh cuối tuần này, giá vàng đang ở vùng nguy hiểm.

Kim quý có thể được hỗ trợ nếu giảm xuống 1.750 USD/ounce. Tuy nhiên, nếu mức hỗ trợ này bị phá vỡ, giá vàng có thể giảm xuống mức 1.700 USD/ounce.

Trường hợp vàng thế giới giảm về vùng 1.730-1.750 USD tuần tới như dự báo, dù các doanh nghiệp trong nước có tiếp tục nới rộng chênh lệch so với vàng thế giới cũng khó giữ được giá vàng miếng giao dịch trên vùng 57 triệu đồng/lượng.

Quang Thắng