Giải quyết khó khăn của ngành giáo dục

Chiều 18-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Bổ sung biên chế giáo viên

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết năm học 2022 - 2023 là năm nhiều khó khăn và thách thức với ngành giáo dục khi vừa phải tiếp tục cùng với cả nước khắc phục, nỗ lực vượt qua khó khăn do hậu quả của đại dịch COVID-19, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động GD-ĐT. Toàn ngành đã nỗ lực và đạt những kết quả tích cực nhưng vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, như tình trạng thiếu giáo viên; thiếu trường lớp, quá tải trường lớp; bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường…

Lãnh đạo các tỉnh, thành cũng nêu lên nhiều khó khăn của ngành giáo dục. Ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, kiến nghị bộ, ngành trung ương xem xét tháo gỡ vướng mắc đối với quy định khung vị trí việc làm cho giáo dục mầm non ở vị trí phục vụ, bảo vệ, y tế. Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo ngành sư phạm cũng gặp khó khăn cần tháo gỡ và cần có quy định đồng bộ. Đồng thời cần có các chương trình kiên cố hóa trường lớp, đặc biệt là nhà công vụ cho giáo viên để giáo viên yên tâm gắn bó dạy học và công tác. Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đề xuất một số vấn đề cần tháo gỡ trong thời gian tới, trong đó có chế độ, chính sách đối với cán bộ, giáo viên và nhân viên ngành giáo dục. Bên cạnh đó, theo bà Hà, mỗi năm Hà Nội tăng thêm 50.000 - 60.000 học sinh, tương đương cần xây mới 30 - 40 trường học. Khó khăn là hiện nay, một số quận nội thành không còn quỹ đất. Vì vậy, Hà Nội kiến nghị Chính phủ cho phép thành phố được nâng tầng các khối nhà xây dựng cũng như xây tầng hầm cho nhà trường ở quận nội thành để khai thác quỹ đất hiệu quả.

Về biên chế, ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho hay năm 2021 - 2022, biên chế của ngành giáo dục là 1.375.715 người, trong đó khối trung ương là 50.699 người và địa phương là 1.328.016 người. Trong số này, khối mầm non và THPT là 1.131.001 người. Biên chế giao bổ sung trong năm học 2022 - 2023 là 27.850 người. Theo ông Cường, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ GD-ĐT xem xét, căn cứ nhu cầu, so sánh định mức để trình Chính phủ cùng các cấp có thẩm quyền để bổ sung biên chế trong năm học tới. Đối với một số địa phương không tuyển dụng được giáo viên theo số biên chế được giao, trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT có thể xem xét điều chỉnh theo từng vùng miền.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024. Ảnh: MINH THU

Tăng đãi ngộ cho giáo viên

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá ngành GD-ĐT tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn một số hạn chế cần tập trung khắc phục, như việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông còn một số bất cập; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp; nhiều khu đô thị, khu công nghiệp không dành quỹ đất để đầu tư xây dựng trường, lớp dẫn đến tình trạng quá tải, làm gia tăng áp lực trong tuyển sinh đầu cấp, nhất là tuyển sinh lớp 10. Thủ tướng cũng chỉ rõ tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, bất cập giữa các cấp học ở các địa bàn; chính sách, chế độ đãi ngộ còn bất cập, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên...

Thủ tướng cho rằng Đảng, Nhà nước, Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ và sẽ luôn đồng hành giải quyết những khó khăn của ngành giáo dục, cũng như của hơn 1 triệu thầy giáo, cô giáo đang ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp "trồng người". Từ quan điểm đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thực hiện đổi mới GD-ĐT; tổ chức tốt việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Thủ tướng đề nghị Bộ GĐ-ĐT sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với yêu cầu tiếp tục đổi mới thi, công nhận tốt nghiệp THPT bảo đảm nghiêm túc, gọn nhẹ, giảm áp lực nhưng phải nâng cao chất lượng; song song đó tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp mục tiêu, yêu cầu đặt ra.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên cho phù hợp, có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non; nâng cấp, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm hiệu quả, phù hợp yêu cầu tình hình thực tiễn.

YẾN ANH