Gói hỗ trợ 26.000 tỷ: 'Người dân khát khao lắm rồi, cần lắm rồi…'

Người dân có hoàn cảnh khó khăn nhận cứu trợ tại Gian hàng 0 đồng giữa mùa dịch COVID-19.

"Sức nóng" của việc triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQCP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, tuy mới có 2 tuần triển khai Nghị Quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, nhưng tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng đã được Quốc hội yêu cầu báo kết quả thực hiện. Điều đó cho thấy sức nóng của việc triển khai Nghị quyết như thế nào.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhận định, việc triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg đang đi đúng hướng, thiết thực và phù hợp với điều kiện hiện nay. Chính sách đã thông thoáng, cởi mở, tạo điều kiện tối đa để người lao động và người sử dụng lao động dễ tiếp cận các chính sách, địa phương dễ triển khai.

"Nhiều địa phương đã triển khai giải ngân với số tiền lớn như: Hải Dương 107 tỷ đồng, Bắc Ninh 75 tỷ đồng, Bắc Giang 63 tỷ đồng, Thanh Hóa 74 tỷ đồng,…So với tiến độ thực hiện của Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020 là một bước tiến bộ vượt bậc", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá

Cũng theo Bộ trưởng, nhiều chính sách đã được các địa phương triển khai xong, đạt kết quả tốt nhưng không phải thêm một thủ tục hành chính nào. Đặc biệt chính sách hỗ trợ lao động tự do - nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sâu nhất, nặng nề nhất đợt này đã được triển khai rất tốt. Điển hình trong số đó là TP. HCM.

Giảm thủ tục hành chính và không được tăng thời gian về xử lý quy trình

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng thẳng thắn chỉ ra sự chậm trễ trong việc triển khai chính sách tại một số địa phương. "Nhu cầu xã hội bức bách như thế nhưng bên cạnh những địa phương làm tốt thì nhiều địa phương còn coi nhẹ chủ trương, không chú ý đến đời sống người dân. Trong số các địa phương làm tốt lại là các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Như vậy không phải khó khăn là không thực hiện tốt mà cho thấy những địa phương dễ nhất thì lại làm không tốt. Dân người ta khát khao lắm rồi, cần lắm rồi nên chúng ta đừng thờ ơ với việc này…" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu, nơi nào chưa làm tốt thì phải xem lại mình, nơi nào chưa sáng tạo thì phải sáng tạo. Phối hợp chặt chẽ với các ngành để triển khai. Theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian. Không được tăng thời gian về xử lý quy trình.

Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương tập trung hỗ trợ vào mấy nhóm cơ bản: Nhóm phát tiền mặt F0, F1, trẻ em, lực lượng lao động, doanh nghiệp. Các địa phương chủ động tìm đến các đối tượng hỗ trợ. Không thể thụ động chờ đợi. Đồng thời, tăng cường rà soát, nắm bắt đời sống nhóm đối tượng lao động tự do nhất là các khu vực giãn cách xã hội, phong tỏa gắn với đó là vận động cộng đồng, toàn dân thực hiện các chính sách hỗ trợ.

Riêng nhóm 26 tỉnh hiện nay đang thực hiện Chỉ thị 16 thì phương châm lúc này tập trung cái ăn, cái mặc cho người dân, lao động trên nguyên tắc đảm bảo người dân không bị thiếu đói.

Bộ LĐ-TB&XH cũng yêu cầu các tỉnh thành chia 3 nhóm: Các tỉnh đang bình yên, ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19, phấn đấu trong 10 ngày giải quyết xong các chính hỗ trợ "tiền tươi, thóc thật" và các chính sách liên quan đến BHXH; Nhóm các tỉnh có dịch nhưng chưa thực hiện Chỉ thị 16 cần phân loại 3 nhóm hỗ trợ: Nhóm hỗ trợ tiền mặt thì khẩn trương triển khai. Đồng thời tập trung triển khai các chính sách giãn hoãn, miễn đóng từ BHXH và chính sách hỗ trợ tiền lương cho vay. Riêng nhóm 26 tỉnh hiện nay đang thực hiện chỉ thị 16 phương châm lúc này tập trung cái ăn, cái mặc cho người dân, lao động trên nguyên tắc đảm bảo người dân không bị thiếu đói.

Cẩm nang hướng dẫn đào tạo người lao động gặp khó khăn do COVID-19

Trước những ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, để giúp người sử dụng lao động, Sở LĐTB&XH, cơ quan BHXH ở các địa phương và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) vừa ra mắt "Cẩm nang hướng dẫn đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19".

Cẩm nang bao gồm 7 nội dung chính bên cạnh nội dung giới thiệu chính sách và thông tin liên hệ hỗ trợ, trong đó có các nội dung quan trọng như: Hướng dẫn dành cho người sử dụng lao động; hướng dẫn dành cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hướng dẫn dành cho Sở LĐTB&XH; hướng dẫn dành cho cơ quan BHXH; trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng, các thông tin trong Cẩm nang hướng dẫn rất chi tiết, cụ thể về các điều kiện hỗ trợ, quy trình, thủ tục hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng cũng như các đơn vị có trách nhiệm thực hiện.