Hà Nội: Đẩy mạnh công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý

- Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật quận Long Biên. Ảnh: TL

Những năm qua, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn TP à Nội luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Năm 2023, UBND TP đã ban hành các kế hoạch triển khai nội dung trợ giúp pháp lý trong các Chương trình mục tiêu quốc gia và đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Thông tin tư Sở Tư pháp TP Hà Nội, trong năm 2023, đã cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 2.446 lượt người tăng 55,8% so với cùng kỳ. Tổng số vụ việc tham gia tố tụng thực hiện, bao gồm số vụ việc thụ lý trong kỳ và số vụ việc từ năm trước chuyển sang là 3.475 vụ việc.

Tiến hành thẩm định 1.774 hồ sơ vụ việc trợ giúp, trong đó có 1.366 vụ việc đạt chất lượng tốt, 406 vụ việc đạt chất lượng khá, 02 hồ sơ đạt chất lượng. Tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý được đánh giá là tham gia tố tụng thành công là 957 vụ việc, chiếm tỷ lệ 53,9% trên tổng số vụ việc được thẩm định, đánh giá.

Cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia đại diện ngoài tố tụng cho 09 người thuộc diện được trợ giúp pháp lý (giảm 20 vụ so với cùng kỳ năm 2022). Các Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm cũng đã kết thúc 10 vụ việc đại diện ngoài tố tụng trong giai đoạn này, hiện đang tiếp tục thực hiện 05 vụ việc đại diện ngoài tố tụng; Tiếp 195 lượt người yêu cầu tư vấn thuộc các lĩnh vực pháp luật: hình sự, dân sự, đất đai, hành chính, hôn nhân và gia đình, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổ chức 381 cuộc truyền thông về trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật tại các xã, phường, thị trấn, trường học và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn các quận, huyện thuộc TP Hà Nội (tăng 4,09% so với cùng kỳ năm 2022), thu hút được 36.508 lượt người tham dự, tư vấn trực tiếp cho 4.734 lượt người với 4.734 việc thuộc các lĩnh vực pháp luật: hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, nhà ở, môi trường, lao động việc làm, bảo hiểm, khiếu nại, tố cáo, hành chính, chính sách ưu đãi, lĩnh vực pháp luật khác.

Giao Trung tâm Trợ giúp pháp lý TP phối hợp với Báo Kinh tế và Đô thị thực hiện các bài viết, phóng sự về trợ giúp pháp lý; bàn giao miễn phí tờ gấp pháp luật cho Hội Người cao tuổi, người có công với cách mạng…; đặt bảng thông tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở Hội Người cao tuổi các quận, huyện, thị xã.

Về công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng: hội đồng phối hợp liên ngành TP đã kiện toàn các thành viên của Tổ giúp việc cho Hội đồng; thực hiện đặt 167 bảng thông tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở Công an các xã, phường, thị trấn trên địa bàn 9 quận, huyện của TP; đã triển khai việc người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân hai cấp của TP;

Đoàn kiểm tra liên ngành của Hội đồng phối hợp liên ngành TP đã tiến hành kiểm tra trực tiếp tại các cơ quan tiến hành tố tụng tại 8 quận, huyện, thị xã ; Tổ chức Hội thảo về hoạt động trợ giúp pháp lý đối với người dưới 18 tuổi và các giải pháp phòng, chống vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi.

Năm 2024, TP tiếp tục tổ chức triển khai thi hành hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành, Đề án đổi mới công tác Trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025, các Kế hoạch về Trợ giúp pháp lý của UBND TP; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và nâng cao năng lực cho đội ngũ người làm công tác trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm sinh xã hội;...

Theo lãnh đạo Sở Tư pháp TP Hà Nội, TP sẽ tiếp tục chú trọng công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng nhằm đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý của người thuộc diện được trợ giúp pháp lý; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác trợ giúp pháp lý.

Bạch Dương