Hà Nội hoàn thành mục tiêu đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021

20 quận, huyện cùng vào cuộc

Trong giai đoạn 2019 - 2020, UBND TP đã đánh giá, phân hạng được tổng số 1.054 sản phẩm OCOP. Trong số này, huyện Mê Linh đóng góp 35 sản phẩm. Tiếp nối Chương trình OCOP của TP, ngay từ đầu năm 2021, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các phòng ban đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện sản phẩm.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cho biết, vừa qua, 20 sản phẩm của 4 chủ thể sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện đã tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP năm 2021. Theo đó, toàn bộ 20 sản phẩm được Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP Hà Nội đánh giá cao, thống nhất đề xuất TP cấp 3 - 4 sao.

Hà Nội cơ bản hoàn thành mục tiêu đánh giá, phân hạng ít nhất 400 sản phẩm OCOP trong năm 2021. Ảnh: Trọng Tùng.

Cùng với huyện Mê Linh, chỉ trong vòng hai tháng qua, 19 quận, huyện khác trên địa bàn Hà Nội cũng đã tích cực rà soát, hỗ trợ các chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021. Thống kê đến nay, Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP Hà Nội đã đánh giá được hơn 400 sản phẩm OCOP. Con số này vượt mục tiêu ban đầu TP đặt ra từ đầu năm là đánh giá, phân hạng ít nhất 400 sản phẩm trong năm 2021.

Chị Nguyễn Thị Thu Thoan, chủ trang trại chăn nuôi tại xã Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn), có sản phẩm gà tươi vi sinh được Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng TP đánh giá, phân hạng tiềm năng 4 sao. Chị Thoan kỳ vọng trong thời gian tới, khi được UBND TP cấp sao OCOP, sản phẩm gà tươi vi sinh của gia đình sẽ nâng cao được uy tín và tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường.

Không chạy theo số lượng sản phẩm

Dù mục tiêu về số lượng trong năm 2021 là rất lớn, cộng với khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, tuy nhiên việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP vẫn được Hà Nội triển khai hết sức nghiêm túc. Việc thẩm định được thành viên Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP Hà Nội thực hiện bám sát những tiêu chí đã được quy định tại các Quyết định số 1048/QĐ-TTg và 781/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với bám sát các tiêu chí để đánh giá theo đúng quy định, các thành viên Tổ tư vấn là đại diện các sở, ban ngành của Hà Nội cũng nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng hồ sơ để tham góp ý kiến, bổ sung cho các chủ thể những nội dung còn thiếu. Qua đó giúp chủ thể hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng TP đánh giá, phân hạng.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, thành công đến nay của Chương trình OCOP có được là nhờ sự tích cực vào cuộc của các địa phương. Dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, tuy nhiên, các quận, huyện đều rất quan tâm, xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai Chương trình OCOP từ đầu năm. Thời gian qua, căn cứ tình hình dịch bệnh, các địa phương đã tổ chức rà soát, phối hợp cùng đơn vị tư vấn trong việc hỗ trợ chủ thể hoàn thiện hồ sơ để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021 bảo đảm chất lượng, theo đúng tiến độ.

Cũng theo ông Chí, không chỉ các huyện mà năm 2021, các quận nội thành cũng rất tích cực tham gia phát triển sản phẩm OCOP; điển hình như: Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Long Biên, Ba Đình. “Hiện nay vẫn còn hơn 100 sản phẩm của các chủ thể được các quận, huyện đăng ký đánh giá, phân hạng năm 2021. Từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương rà soát, phối hợp cùng đơn vị tư vấn hỗ trợ chủ thể sớm hoàn thiện hồ sơ sản phẩm để tham gia Chương trình OCOP…” - ông Nguyễn Văn Chí thông tin thêm.

Trọng Tùng